Đây là loại hình dịch vụ taxi kết nối giữa hành khách và chủ xe có nhu cầu cho thuê xe thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh. Giá cước của dịch vụ này thấp hơn taxi thông thường. Hành khách trả tiền cước bằng thẻ thanh toán quốc tế VISA, Master Card. Theo đó, chủ xe được hưởng 80%, còn Uber hưởng 20%. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút được nhiều người tham gia.
Tuy nhiên, các xe Uber đều không có phù hiệu taxi, logo, đồng hồ tính tiền cước theo quy định. Do đó, Sở GTVT cho rằng về bản chất đây là loại hình vận tải hành khách nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
Trước đó, vào đầu tháng 10, Hiệp hội Taxi TP HCM đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ xe Uber. Hiệp hội cho rằng sự phát triển của xe Uber đồng nghĩa “nồi cơm” của nhiều tài xế taxi chính hãng bị xâm phạm do lượng khách mất dần. Lâu dài có thể khiến tài xế taxi thất nghiệp, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, nhà nước cũng thất thu ngân sách vì không kiểm soát được thu nhập của loại hình dịch vụ này.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, dịch vụ Uber chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam mà có trụ sở điều hành ở nước ngoài. Khi chủ xe có nhu cầu tham gia mạng lưới Uber cần đăng ký và cung cấp các thông tin trên trang web Uber.com. Một doanh nghiệp trong nước sẽ đứng quản lý xe và thuê tài xế.
Bình luận (0)