Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xử lý nợ xấu cần được xem xét trong quan hệ với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng suy giảm làm gia tăng nợ xấu và nợ xấu tăng sẽ tắc nghẽn dòng tín dụng, dẫn đến tăng trưởng tiếp tục suy giảm. Nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu, có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn đối với nền kinh tế.
Lo sợ nợ xấu tiềm ẩn
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm từ mức hơn 8% xuống còn 6% hiện nay do các NHTM tự xử lý bằng cách trích lập dự phòng rủi ro. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng nhiều biện pháp xử lý nợ xấu như lập Công ty Quản lý tài sản (AMC), triển khai đề án xử lý nợ xấu, buộc các NHTM trích lập dự phòng rủi ro...
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho rằng con số nợ xấu 6% hay 8% chưa nói lên điều gì. Tất nhiên tín hiệu nợ xấu giảm thì mừng nhưng phải xem xét kỹ, cần phân biệt cơ cấu nợ xấu như thế nào. Nếu không, con số nợ xấu cụ thể không được làm rõ mà xử lý sẽ chỉ như “cầm cây gậy để điều hành”. Chẳng hạn, nợ xấu từng nhóm là bao nhiêu, nhóm mất vốn chiếm bao nhiêu… rồi liên quan đến chất lượng tài sản bảo đảm. Nợ xấu hiện tại không nguy hiểm bằng nợ xấu tiềm ẩn khi cho các doanh nghiệp (DN) gia hạn nợ nhưng thời gian tới mới ập về.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2013, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết nợ xấu đã tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2008-2012. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 30-9-2012, cơ cấu nợ xấu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất (khoảng 22,5%), lĩnh vực bất động sản (BĐS) và hoạt động dịch vụ khoảng 19,25% và nằm ở các lĩnh vực khác như buôn bán, sửa chữa ô tô, xe máy, vận tải, kho bãi và xây dựng…
Phải giải quyết hài hòa
Trong các lĩnh vực có nợ xấu, giải quyết nợ xấu lĩnh vực BĐS được sự quan tâm đặc biệt. Do dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS như: vay kinh doanh BĐS, đầu tư sản xuất, kinh doanh và thế chấp bằng BĐS… chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng dư nợ. Nợ xấu lĩnh vực này còn kéo theo sự trì trệ của 2 ngành khác là xây dựng và vật liệu xây dựng. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bảng cân đối tài sản của các DN BĐS đang niêm yết cho thấy nhiều DN nợ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản. Thị trường BĐS khó khăn sẽ khiến giá trị tài sản của DN co lại nhưng vẫn phải trả lãi đối với khoản vay lãi suất cao. “Nợ nở ra, tài sản co lại” sẽ làm nhiều DN bị cạn vốn và phá sản, ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của các NHTM liên quan.
Để giải quyết nợ xấu BĐS, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cần đưa ra thông điệp rõ ràng: Sẽ không có một sự giải cứu nào đối với DN kinh doanh BĐS trung và cao cấp, mà để thị trường quyết định và đào thải. Đồng thời, sử dụng nguồn lực và ưu đãi chính sách ưu tiên hỗ trợ DN xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa giúp giải quyết tồn kho, giảm nợ xấu ở DN sản xuất vật liệu xây dựng. Quan trọng hơn, cần minh bạch hóa và giám sát chặt chẽ việc thực thi, kể cả từ phía các cơ quan của Quốc hội, để chính sách hỗ trợ này được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý giải quyết nợ xấu trong điều kiện thị trường nợ kém phát triển và nguồn tài chính bổ sung yếu có thể làm thị trường BĐS trì trệ hơn. Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu nếu không giải quyết tốt, hài hòa trong mối quan hệ kinh tế sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán.
Bình luận (0)