Từ tháng 5, nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch như: măng cụt, sầu riêng, vải thiều… Nguồn hàng nhiều nên xuất khẩu các mặt hàng tăng trưởng khá mạnh. Ngoài thanh long, sầu riêng, những mặt hàng khác như chuối, dừa, vải thiều… cũng rất có tiềm năng để trở thành loại quả "tỉ đô" của Việt Nam.
Bùng nổ xuất khẩu
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 5-2023 đạt 600 triệu USD, tăng 53,3% so với tháng trước và tăng 137,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu rau quả ước đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022, trở thành điểm sáng của ngành nông sản giữa bối cảnh xuất khẩu nói chung vẫn chưa bằng năm trước.
Sầu riêng hiện là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông sản .Ảnh: NGỌC TRINH
Sang tháng 6, xuất khẩu rau quả vẫn tiếp tục khả quan với nhiều mặt hàng vào chính vụ, chất lượng vào giai đoạn tốt nhất.
Ngày 16-6, tại Đồng Nai, tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Đông Nam Bộ, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tham gia lễ công bố có 6 doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu sầu riêng với số lượng 20 container chở 360 tấn sầu riêng gồm giống Dona và Ri6.
Đến thời điểm hiện tại, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, mang về lượng ngoại tệ lớn. Năm 2022, dù chỉ mới xuất khẩu chính ngạch những tháng cuối năm nhưng sầu riêng đã mang về 421 triệu USD, nên năm 2023, giá trị xuất khẩu mặt hàng này hoàn toàn có thể vượt mốc 1 tỉ USD khi tốc độ tăng trưởng đang ở mức 3 con số.
Với vải thiều, mặt hàng này đang vào chính vụ ở miền Bắc và xuất khẩu tốt sang Nhật Bản, Mỹ, Úc… Đặc biệt, thông tin vải thiều không hạt của Việt Nam được xuất khẩu sang Anh, Nhật Bản có giá bán lẻ lên đến khoảng 800.000 đồng/kg khiến nhiều người tự hào.
Chuyên gia về thương mại quốc tế, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, đánh giá vải thiều Việt Nam ngon và thơm số 1 thế giới nên phải tìm cách đưa hàng đi xa để bán được giá cao. "Ở châu Âu, vải tươi từ châu Phi xuất khẩu sang không ngon bằng nhưng vẫn bán khoảng 400.000 đồng/kg. Vấn đề của Việt Nam là làm sao bảo quản được quả vải thiều tươi ngon, giữ được màu sắc, sản phẩm phải có tên nhà vườn, HTX sẽ mang được giá trị cao" - ông Paul Le nói.
Ông Paul Le cũng nói thêm khi đi khảo sát tại vùng trồng thanh long Bình Thuận, ông nhận thấy nông dân quen bán hàng tại chỗ vì người mua đến tận nơi. "Điều này khiến cho người Việt quen cách làm dễ là bán trái cây chưa phân loại, chưa biết hàng hóa đó đi đâu và khi người mua không đến nữa thì lúng túng. Nhà vườn cần phải học cách bán hàng, biết người mua hàng cuối cùng là ai mới xây dựng được ngành hàng bền vững" - chuyên gia này bày tỏ.
Đầu tư mạnh cho bảo quản
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, về trái cây, ngoài sầu riêng thì thanh long và chuối là 2 mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu 1 tỉ USD trong thời gian tới. Trong đó, thanh long từng đạt giá trị tỉ USD, còn chuối mới nổi gần đây do sự hút hàng của các thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… với ưu thế là chi phí vận chuyển thấp so với các đối thủ. "Năm 2022, xuất khẩu chuối tươi mang về 311 triệu USD, năm nay tiềm năng mặt hàng này vẫn rất lớn do nhu cầu của thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng mạnh" - ông Nguyên thông tin thêm.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho hay xuất khẩu thanh long những năm qua khó khăn chủ yếu do dịch COVID-19, nay dịch được kiểm soát nên tình hình thuận lợi trở lại. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá bán thanh long luôn cao hơn giá thành, nông dân có lãi. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.
Ngành thanh long đang đi vào ổn định. Ngoài xuất khẩu trái tươi, còn có chế biến với hơn 10 mặt hàng như: cấp đông, sấy, làm rượu vang, trà, nước ép… Đặc biệt, ngoài Trung Quốc, các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Đông… cũng đã ổn định, DN xuất khẩu thường xuyên. "Trung Quốc trồng được thanh long nhưng thổ nhưỡng không thích hợp nên chất lượng không bằng thanh long Việt Nam. Do vậy, nếu thanh long Việt Nam được nâng chất lượng, đa dạng sản phẩm chế biến thì không ngại cạnh tranh và việc trở lại CLB xuất khẩu 1 tỉ USD là hoàn toàn có thể" - ông Trịnh nhận định.
Với ngành hàng dừa, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết nếu Việt Nam đàm phán mở cửa được 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ (dừa gọt kim cương), giá trị thu về sẽ rất lớn. Bởi dừa là loại quả rất tốt cho sức khỏe và Việt Nam đã có công nghệ bảo quản, thời gian vận chuyển và bán hàng lâu nên có lợi thế.
Bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (Long An), cho hay công ty mới triển khai dịch vụ xử lý nấm bệnh cho nông sản, giúp kéo dài thời gian tươi ngon cho nhiều loại quả. "Chúng tôi đã thành công với chanh dây và xoài keo, thời gian trữ được 35 ngày, giúp tránh việc "được mùa mất giá". DN cũng đang thử nghiệm thêm với sầu riêng, thời gian "ngủ đông" của quả dự kiến 5-6 tuần mà chất lượng vẫn bảo đảm" - bà Lệ Chân thông tin.
TS Lê Minh Hùng, Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất Việt Nam nên mạnh dạn cho thử nghiệm nhiều chế phẩm sinh học giai đoạn sau thu hoạch để hỗ trợ DN trong xuất khẩu. "Có như vậy mới xử lý được nấm bệnh trên quả ở giai đoạn sau thu hoạch" - TS Hùng nói.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ đã và đang triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, trong đó thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đối với mặt hàng trái cây, việc duy trì phát triển thị trường truyền thống là Trung Quốc không chỉ mua bán với các vùng giáp biên giới mà các tỉnh, thành sâu trong nội địa còn rất nhiều dư địa để khai thác.
Đồng thời, phát triển các thị trường gần trong khối ASEAN nhằm tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần. Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc... lại cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và thương hiệu.
Thời gian qua, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nghiên cứu, đánh giá thị trường, các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại.
Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản. Cùng với đó, đầu tư phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, góp phần đưa quả vải, nhãn nói riêng và nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn.
Minh Chiến
Bình luận (0)