Nhiều chuyên gia cho rằng không nên dành nhiều ưu đãi cho ngành sản xuất ximăng, vốn "ăn" vào tài nguyên và tàn phá môi trường - Ảnh: HỮU THUẬN
"Ximăng là ngành sản xuất gây nhiều hệ lụy như tàn phá môi trường, đường sá và cầu cống... chưa kể trước đó cũng đã được dành ưu ái về năng lượng điện và than giá rẻ
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngành ximăng gặp khó do quy hoạch kém, công nghệ lạc hậu và đây là ngành “ăn” vào tài nguyên nên không thể tiếp tục dành nhiều ưu đãi hay giảm thuế để “giải cứu”.
Nguồn cung thừa, tiêu thụ gặp khó
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chánh văn phòng Tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam (VICEM), đơn vị chiếm 30% thị phần cả nước - cho rằng từ năm 2010 đến nay là giai đoạn khó khăn của ngành ximăng Việt Nam.
Lý do là nguồn cung luôn vượt xa so với nhu cầu, có thời điểm lên tới 30-40 triệu tấn/năm, tương đương 50% công suất cả nước.
Dù thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa trở lại thời kỳ hoàng kim nên tiêu thụ ximăng chững lại.
Với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do giá xuất khẩu thấp, lại chịu thuế xuất khẩu 5% và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Do xuất khẩu gặp khó, các nhà sản xuất ximăng tập trung khai thác thị trường trong nước, thậm chí phải giảm giá bán dưới giá thành dẫn tới cạnh tranh thiếu lành mạnh, hiệu quả ngày càng kém.
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam, việc dư thừa ximăng là vấn nạn kéo dài, luẩn quẩn trong nhiều năm nay của ngành ximăng nhưng không có cách để giải quyết dứt điểm được.
Để giảm hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp tìm cách giảm giá bán nhưng cách làm này, theo ông Cung, chỉ giúp "DN này bán được hàng thì DN khác lại bị ế”.
Ông Cung nói cho rằng việc cho phép xây dựng các nhà máy mới là rất bất cập, “làm khó” những nhà máy ra đời trước.
Giải thích lý do có quy hoạch nhưng ngành ximăng vẫn dư thừa, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho rằng việc đầu tư sản xuất là kế hoạch dài hạn, trong tính toán “có nhiều vấn đề” bởi việc xây dựng một nhà máy mất ít nhất 5 năm.
Hơn nữa, việc quy hoạch chỉ mang tính định hướng 80-90% chứ không đạt 100% được.
“Việc tiêu thụ chậm và tồn kho ximăng tăng là do nhu cầu thị trường giảm, đặc biệt ngành xây dựng tăng trưởng rất chậm nhưng tỉ lệ dư thừa khoảng 10-15% tổng công suất cũng giúp để điều tiết thị trường” - ông Bắc nói.
Có nên giảm thuế để cứu ximăng?
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, trên thị trường xuất khẩu các doanh nghiệp cũng đang đối diện với nhiều cạnh tranh bởi giá của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan... đều thấp hơn Việt Nam.
Giải pháp, theo ông Tùng, là khấu trừ thuế GTGT đầu vào và giảm thuế xuất khẩu ximăng và clinker xuống mức thấp hơn (5%) được cho sẽ giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, góp phần giảm áp lực nguồn cung lên thị trường trong nước.
Tuy nhiên theo ông Phạm Văn Bắc, lượng ximăng dư thừa hiện nay vẫn chưa quá nhiều nên việc giảm thuế xuất khẩu để cứu là chưa cần thiết.
“Việc giảm thuế xuất khẩu nếu có phải được nghiên cứu cụ thể và cần phải xem xét trên cơ sở các yếu tố tổng thể” - ông Bắc nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng xuất khẩu ximăng là xuất khẩu tài nguyên, việc giảm thuế xuất khẩu để hỗ trợ ngành này là không cần thiết.
Hơn nữa, theo ông Ánh, đây là ngành sản xuất gây nhiều hệ lụy như tàn phá môi trường, đường sá và cầu cống... chưa kể trước đó cũng đã được dành ưu ái về năng lượng điện và than giá rẻ.
“Quan điểm của tôi là không nên có chuyện giải cứu với ngành ximăng” - ông Ánh nhấn mạnh.
Theo ông Ánh, có ba lỗi lớn trong ngành sản xuất ximăng hiện nay. Trước hết là lỗi quy hoạch khiến hàng loạt nhà máy ra đời ồ ạt. Thứ hai là lỗi công nghệ, dây chuyền lạc hậu dẫn tới khấu hao lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thứ ba là lỗi quản lý kinh tế của từng dự án ximăng có vấn đề khiến kinh doanh thua lỗ.
“Theo tôi, giảm thuế không phải là lối thoát. Cái cần làm triệt để là khắc phục ba lỗi nêu trên, siết chặt lại từng khâu thật bài bản và hiệu quả” - ông Ánh phân tích.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng không thể lấy lý do giảm thuế xuất khẩu nhằm cạnh tranh với ximăng Trung Quốc, bởi ngành ximăng Trung Quốc duy trì sản xuất ổn định lâu dài, trong khi Việt Nam không thể chạy theo giải cứu mãi cho ngành ximăng.
“Không cứu bằng mọi giá, mà phải bảo vệ lợi ích kinh tế, nguồn tài nguyên và môi trường trong nước. Với các nhà máy cũ, công nghệ lạc hậu và thua lỗ kéo dài, cần mạnh tay đóng cửa và tái cơ cấu một cách triệt để” - vị này đề xuất.
Nhà máy ximăng Vạn Ninh (thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) bị dân dùng đá chặn lối vào vì gây ô nhiễm thời điểm năm 2014 - Ảnh: T.LONG
Năm sau thừa hơn năm trước
Tính đến cuối năm 2016, theo thống kê của ngành ximăng, cả nước có 78 dây chuyền sản xuất ximăng lò quay với tổng công suất 87,8 triệu tấn ximăng, trong khi tiêu thụ ximăng và clinker chỉ khoảng 74,5 triệu tấn, thừa khoảng 13,3 triệu tấn.
Trong năm 2017, các dự án ximăng Xuân Thành 2 (công suất 4,6 triệu tấn) và dự án ximăng Long Sơn giai đoạn 2 (công suất 2,3 triệu tấn) dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên 94,7 triệu tấn và dự kiến sẽ dư thừa 17-18 triệu tấn.
Trong sáu tháng đầu năm nay, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường ximăng chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với dự báo đầu năm là 10%, trong khi nguồn cung tăng cao, khoảng 10%, nên dư cung càng tăng.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Bộ Xây dựng đang rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp ximăng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 để tiếp tục trình Chính phủ xem xét.
Ông Đào Trọng Tứ (Giám đốc Trung tâm Quản lý bền vững tài nguyên và thích nghi biến đổi khí hậu):
Dừng ưu ái cho ngành sản xuất "ăn vào tài nguyên
Sản xuất ximăng là ngành "ăn" vào chính tài nguyên của đất nước, việc đề xuất giảm thuế xuất khẩu đối với ximăng là một đòi hỏi hơi quá, chưa kể chúng ta đã có nhiều ưu đãi về mỏ nguyên liệu, điện, than đối với ngành này. Bản thân tôi đi dọc từ Bắc vào Nam nhìn thấy hàng loạt công trường khai thác đá làm ximăng tàn phá núi non kinh khủng thực sự rất xót xa.
Trong bối cảnh ngành ximăng kém hiệu quả, sản xuất dư thừa, gây ô nhiễm và tàn phá tài nguyên, cơ quan quản lý cần rà soát thật kỹ quy hoạch ngành ximăng và đệ trình Chính phủ xem xét theo hướng không tiếp tục mở rộng nhà máy mới.
Ông Nguyễn Quang Cung (Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam):
Nên dừng cấp phép dự án mới
Câu chuyện khủng hoảng thừa ximăng hiện nay có nguyên nhân quan trọng đó là sự khác xa giữa giá trị sản xuất thực tế và tổng công suất thiết kế trong quy hoạch.
Lý do là quy hoạch chỉ tính công suất thiết kế nhưng nhờ cải tiến trong quá trình vận hành nên nhà máy có thể tăng năng suất, sản lượng sản xuất tăng hơn nhiều dẫn tới thừa.
Đây là một bất cập lớn trong quy hoạch chưa được lường trước.
Chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng các dự án, dây chuyền sản xuất ximăng mới. Các dự án và dây chuyền cũ cũng phải cải tạo để nâng cao năng lực sản xuất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ đề xuất cho phép điều chỉnh từ năng lực sản xuất "ảo" theo công suất thiết kế sang năng lực thực của các nhà máy để số liệu chính xác hơn.
Bình luận (0)