Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 dự kiến diễn ra vào ngày 17-3. Trong đó có nội dung đáng chú ý là đề xuất thời hạn sở hữu chung cư.
Chính phủ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn - Ảnh: Văn Duẩn
Theo lí giải của Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì soạn thảo), tại Luật Nhà ở 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM vẫn còn rất chậm, còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, theo Bộ Xây dựng, là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn, do đó các chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, phá dỡ nhà chung cư, ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện cho an toàn sử dụng.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư.
TS Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI
Hôm 9-3-2023, tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, TS Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng một trong những mục tiêu của quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là tạo thuận lợi cho việc sửa chữa, cải tạo nhà chung cư cũ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi chung cư hết thời hạn sở hữu, quyền của chủ sở hữu căn hộ không còn nữa, việc thực hiện sửa chữa, xây dựng lại hoặc di dời sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản, vì vậy cần phải được đánh giá tác động một cách thận trọng và kỹ càng. Ông Tuấn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
GS-TS Trần Ngọc Đường
Còn theo GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, việc căn cứ vào các lí do ban soạn thảo đưa ra để chấm dứt quyền sở hữu hợp pháp nhà chung cư là không xác đáng và thiếu cơ sở thực tiễn.
GS-TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh không thể đánh đồng những nhà chung cư đã xuống cấp, hết hạn hiện nay với những nhà chung cư hình thành quyền sở hữu từ quyền mua, bán hợp pháp theo giá thị trường vào những năm nhà nước có chủ trương phát triển thị trường nhà ở.
"Hiện nay không phải họ không muốn đi vì cho rằng quyền sở hữu nhà đó là vĩnh viễn mà vì chính sách xây lại nhà đó chưa hợp lý" - ông Đường nói và cho rằng nhà chung cư hiện nay là khối tài sản rất lớn của một gia đình, lẽ nào vì một thực tiễn hoàn toàn khác với thực tiễn hiện nay để nhà nước ra một quyết định bằng một quy định của luật là chấm dứt quyền sở hữu một cách đơn giản, lạnh lùng như vậy.
Bình luận (0)