Bộ Tư pháp cho biết cơ quan này đang trong quá trình thẩm định dự thảo Quyết định mới thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Theo Tờ trình của Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp, để minh bạch hơn việc điều chỉnh giảm giá điện, dự thảo Quyết định quy định cụ thể tỉ lệ % giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm so với hiện hành thì mới thực hiện điều chỉnh giảm giá điện, tránh gây lãng phí nguồn lực khi mức giảm nhỏ cũng thực hiện điều chỉnh giá theo ý kiến góp ý của một số đơn vị.
Theo đó, khi giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì mới thực hiện giảm giá điện.
Giá điện có thể gánh thêm khoản lỗ của EVN
Đối với điều chỉnh tăng giá điện, dự thảo Quyết định giữ nguyên mức điều chỉnh từ 3% trở lên so với hiện hành thì giá điện được xem xét điều chỉnh tăng như quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg theo ý kiến góp ý của một số đơn vị.
Việc điều chỉnh tăng giá điện có tác động ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Nếu ở mức tăng thấp hơn đã cân nhắc xem xét điều chỉnh thì có thể gây xáo trộn tâm lý của doanh nghiệp và người dân, tạo dư luận không tốt.
Bên cạnh đó, chu kỳ điều chỉnh giá điện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ TTg là 6 tháng. Dự thảo quyết định nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới giá điện. Cụ thể, dự thảo rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Dự thảo đã sửa đổi phương pháp lập giá bán điện bình quân, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân gắn với thực tế sản xuất kinh doanh điện. Cụ thể, công thức tính giá bán lẻ điện cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, bao gồm chênh lệch tỉ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ 26.000 tỉ đồng. Với việc kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ và chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, trong khi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể về việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch.
Cơ quan soạn thảo cho rằng điều này gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Bộ Công Thương dẫn quy định hiện hành tại Luật Giá cho thấy giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Bình luận (0)