Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 31-10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết nợ tín dụng liên quan đến bất động sản (BĐS), trong đó liên quan gồm cho vay để kinh doanh BĐS, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng BĐS thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức là khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng. Còn theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31-8, dư nợ tín dụng của BĐS khoảng 203.000 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ nợ xấu 6,6%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, điều lo ngại là nợ xấu của các doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành sản xuất như xây dựng, vật liệu xây dựng, sắt thép, thiết bị điện… và ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vì thế, việc quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là không thể chậm trễ.
Theo ông Trịnh Đình Dũng, doanh nghiệp phải cơ cấu lại các dự án đầu tư, gia tăng các loại nhà ở xã hội. Hai TP lớn Hà Nội và TPHCM cần sớm giải quyết các thủ tục chuyển đổi cơ cấu dự án. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng tín dụng cho vay đối với nhà đầu tư và người mua nhà để ở, nhất là người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các dự án phát triển nhà ở xã hội phải chủ yếu dùng những vật liệu trong nước, không phải vật liệu cao cấp của nước ngoài.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, kinh doanh BĐS để tăng cường sự kiểm soát thống nhất về quy hoạch và theo kế hoạch.
Bình luận (0)