Đó là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư tổ chức vào cuối tuần qua tại TP HCM.
Dòng vốn vẫn chảy
“Tôi luôn có niềm tin và lạc quan đối với nền kinh tế của Việt Nam. Đây là một nền kinh tế sẽ phát triển vượt bậc trong 10 năm tới...” - TS Marc Faber, diễn giả chính của diễn đàn, nhấn mạnh. Ông là một nhà tư vấn đầu tư xuất sắc khi đưa ra khuyến nghị đầu tư vào Việt Nam rất đúng thời điểm vào năm ngoái.
Ông Thomas Hugger, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Asia Frontier Capital (AFC), cũng cho biết quỹ này đang nhắm đầu tư vào những công ty có hệ thống quản lý tốt tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính và hàng tiêu dùng. Thành lập tại Việt Nam từ cuối năm 2013, đến hết tháng 5-2014, AFC đã đạt mức tăng trưởng khoảng 12%. Trong danh mục đầu tư của AFC ở các thị trường mới nổi, Việt Nam dẫn đầu với tỉ lệ 20,1%.
Theo ông Thomas Hugger, những thị trường sơ khai như Việt Nam, Bangladesh, Pakistan… sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn các thị trường khác ở khu vực châu Á, dựa trên cơ sở môi trường kinh doanh đang được cải thiện và tình hình chính trị ổn định.
Các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định ASEAN 2015 và Hiệp định TPP hoàn thành sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Bangladesh hay Campuchia… sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cơ cấu đầu tư.
Thực tế, từ năm 2013, niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường đã trở lại, khiến VN-Index tăng trưởng 22% và tiếp tục tăng 11% trong 5 tháng đầu năm 2014. Thị trường bất động sản cũng đã có những dấu hiệu phục hồi... Vì vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại khi vốn cam kết đầu tư trực tiếp cao nhất trong khối ASEAN.
Tiếp tục cải cách
Hiện Việt Nam có trên 17.000 tài khoản được mở bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp khoảng 18%-19% vào GDP; chiếm tỉ trọng lớn và ngày càng tăng trong kim ngạch xuất khẩu.
Sắp tới, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, Tổng Công ty Đường sắt... sẽ mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất hiện nay vẫn là cấu trúc hệ thống ngân hàng và giảm nợ xấu.
Việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài cần phải được thúc đẩy nhanh hơn, nếu không, đó sẽ là “sự thất vọng lớn”. TS Marc Faber khuyến nghị: Để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, Chính phủ Việt Nam cần có những thay đổi chiến lược để thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện kinh doanh cởi mở hơn nữa cho khối dân doanh, quán triệt tinh thần “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đó là: Cải cách thể chế, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung đào tạo lao động có tay nghề cao. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng. Các công việc trên đang được triển khai một cách đồng bộ và đang dần phát huy hiệu quả.
Bình luận (0)