Đã có sản phẩm sạch nhờ quy trình chăn nuôi cải tiến, giờ đây, điều mong muốn của doanh nghiệp, người chăn nuôi là người tiêu dùng hãy thay đổi một chút thói quen để thịt sạch được nhìn nhận đúng giá trị.
Cách nuôi không định giá bán
Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết hiện thương lái phân loại và định giá heo không dựa vào việc trại đó được chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) hay không mà dựa vào giống, ngoại hình khi xuất chuồng. Do đó, dù nuôi heo VietGAP vốn đầu tư nhiều nhưng giá bán không cao hơn so với heo thường.
“Do sản lượng của HTX còn nhỏ, không đủ cho một kênh phân phối riêng nên các trại heo chủ yếu chọn bán cho thương lái hơn là bán cho công ty. Nguồn hàng này được đưa về các lò giết mổ, sau đó phân phối qua chợ đầu mối với giá bán như heo thường” - ông Thắng giải thích.
Theo bà Lê Ngọc Phượng, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood - thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), đơn vị đã xây dựng được chuỗi thực phẩm khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và bán lẻ đến người tiêu dùng. Các trang trại nuôi heo, gà của Sagrifood đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
“Nhiều người nay đã thay đổi thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng tiết kiệm hơn trước nên sản phẩm tốt mà giá bán cao ở chợ lẻ hay chợ tự phát thì khó thuyết phục họ ” - bà Phượng nêu khó khăn.
Vẫn lợi thế
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng tình trạng giá mua cào bằng là một bất công đối với người chăn nuôi heo, gà theo chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, đây vẫn là giấy thông hành cần thiết để các trại chăn nuôi chuyên nghiệp tiếp cận được những đơn vị thu mua đòi hỏi chất lượng cao như siêu thị, các nhà chế biến thực phẩm lớn nên đầu ra vẫn bảo đảm hơn.
Mới đây, HTX Sản xuất và Chế biến Đồng Hiệp (Đồng Nai) đã ký kết với Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) bao tiêu phân phối thịt sạch được đóng gói và mang thương hiệu của HTX nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện. Về dự án này, ông Công thừa nhận là không hiệu quả kinh tế bằng bán heo hơi ngay tại trại nhưng HTX vẫn quyết tâm làm với kỳ vọng người tiêu dùng được sử dụng thịt an toàn đã kiểm soát cả chuỗi và người chăn nuôi sẽ được hưởng lợi về sau này.
Ông Trương Văn Tốt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Thanh niên Xung phong (ADECO - đơn vị đầu tiên được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cấp chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn” cho chuỗi trứng gà từ chăn nuôi đến đóng gói), cho biết sản lượng đưa ra thị trường của công ty mỗi ngày khoảng 150.000 quả. Trên bao bì của trứng ADECO có cả 3 logo của VietGAP, Chuỗi thực phẩm an toàn và chương trình bình ổn giá nên việc tiêu thụ rất thuận lợi.
Theo ông Tốt, việc chăn nuôi theo quy trình an toàn không chỉ giúp công ty kiểm soát rủi ro, không lo dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả mà còn ký được hợp đồng cung ứng với những khách hàng lớn. “Chúng tôi vừa ký hợp đồng với một thương hiệu lớn của Nhật Bản với điều khoản cho phép họ có thể vào kiểm tra trang trại và khu xử lý của công ty bất cứ lúc nào. Tức là nếu chúng tôi có làm sai thì không thể phi tang kịp. Với sự bảo đảm như thế, giá trứng cho hợp đồng này cao hơn thị trường 100 đồng/quả” - ông Tốt cho biết.
Người tiêu dùng còn dễ dãi
Một nghịch lý hiện nay là giá trứng gia cầm chưa qua kiểm soát, không bao bì, không nhãn hiệu không rẻ hơn so với trứng bán trong siêu thị. Đối với thịt gia cầm, do tâm lý thích dùng thịt “nóng”, giết mổ tại chỗ nên giá luôn cao hơn thịt “lạnh” đã qua kiểm soát thú y.
“Các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không ai chịu trách nhiệm thường không được kiểm soát ở khâu chăn nuôi nên dễ bị dịch bệnh hay tồn dư kháng sinh. Người tiêu dùng không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên cứ tưởng trứng nào cũng là trứng, thịt nào cũng là thịt” - giám đốc một công ty chăn nuôi phân tích.
Bình luận (0)