Trong ảnh: Bốc dỡ sắt thép tại cảng Tân Thuận - TPHCM Ảnh: TẤN THẠNH
Không bất ngờ
Trước đó, lạm phát đã có 3 tháng liên tục giảm rất mạnh và thậm chí còn tăng trưởng âm trong tháng 6 và 7. Một đặc điểm đáng lưu ý của giá cả tháng 8 là sự giảm giá liên tục của nhóm hàng lương thực, thực phẩm dường như đã không có tác dụng làm dịu lạm phát trước đà tăng giá rất mạnh của nhiều nhóm hàng khác.
Cụ thể, giá lương thực giảm 0,43%, thực phẩm giảm 0,17% góp phần đưa nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm hàng có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI - giảm được 0,18%. Thế nhưng nhóm thuốc và dịch vụ y tế lại tăng vọt lên 5,44% so với tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng tới 7,71%.
Ông Vũ Đình Ánh cho biết hiện tượng này tương tự như năm 2010, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng vọt lên 7% do các địa phương đồng loạt điều chỉnh học phí. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đứng ở vị trí quán quân với mức tăng 2,03% do tác động của việc tăng giá điện thêm 5% từ đầu tháng 7 và xu hướng tăng giá gas. Một nhóm hàng hóa khác cũng chịu tác động trực tiếp từ việc điều chỉnh giá là chi phí giao thông cũng tăng tới 1,07%. Mức tăng này là phù hợp với việc tăng giá xăng dầu liên tiếp 3 lần chỉ trong vòng một tháng.
CPI tháng 8 cao hơn nhiều so với tháng 8 của các năm gần đây và chỉ thấp hơn so với tháng 8 của năm 2008 và 2011. Diễn biến lạm phát năm nay có dấu hiệu tương tự với năm 1998 và 2004 mà lạm phát của 2 năm đó đều hơn 9%. Với những phân tích như trên, ông Vũ Đình Ánh khẳng định xu hướng lạm phát cao quay trở lại đã thể hiện khá rõ.
Mặt bằng giá quá cao
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận định vấn đề đáng lo ngại của năm nay là mặt bằng giá cả đang ở mức quá cao. 70% chi tiêu của người dân dành cho thực phẩm nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt heo đã tăng gấp rưỡi, giá rau xanh cũng tăng trong khi mức thu nhập bình quân của công nhân lao động chỉ được 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có các loại giá vô hình khác đánh vào cuộc sống của người dân như giá nhà trọ, giá điện, nước tăng lên mấy bậc vì không được mua trực tiếp. “Tranh thủ lạm phát thấp, giá đầu vào gia tăng liên tục cho thấy công tác quản lý giá còn yếu. Cơ quan quản lý giá gần như không có sáng kiến gì kéo giảm giá cả hàng hóa mà chỉ đồng ý cho tăng” - ông Vũ Vinh Phú bức xúc.
Giới chuyên môn dự báo CPI tháng 9 cũng khá căng thẳng do tiếp tục có sức ép tăng giá xăng dầu trong khi xu hướng giảm giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể kết thúc do ảnh hưởng kép của tăng giá vận chuyển và mưa lũ. Bên cạnh đó, tháng 9 còn có kỳ nghỉ kéo dài 3 ngày và mùa tựu trường là nhân tố làm tăng giá tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cảnh báo khi xu hướng lạm phát cao đã xuất hiện, công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu cần phải thận trọng, không để tăng như trong 2 tháng gần đây.
Lạm phát 8 tháng đầu năm tăng 2,86%
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, lạm phát đã tăng 2,86%. So với cùng tháng 8 năm trước, lạm phát tăng 5,04% và so bình quân 8 tháng năm ngoái, lạm phát đã tăng 10,41%. Trong rổ hàng hóa gồm 10 nhóm tính CPI, chỉ có 2 nhóm giảm giá nhẹ là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%. Ngoại trừ 3 nhóm dẫn đầu là thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, các nhóm hàng hóa khác đều tăng giá với mức tăng từ 0,24% - 0,95%. Chỉ số giá vàng trong tháng 8 cũng có biến động với mức tăng 0,41% trong khi chỉ số giá USD giảm nhẹ 0,15%. |
Bình luận (0)