Ngày 22-9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, TP và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn thực hiện phát triển điện măt trời áp mái.
Bộ Công Thương dẫn chiếu các quy định hiện hành và khẳng định điện mặt trời mái nhà phải được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng có công năng độc lập.
Do đó, các công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp khác muốn tham gia đầu tư vào điện mặt trời mái nhà phải có mái. Trong đó, mái nhà phù hợp với công năng, loại hình trang trại.
Bộ Công Thương hướng dẫn một số trường hợp cụ thể về phát triển điện mặt trời
Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, hệ thống mặt trời có công suất không quá 01 MW nhưng không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập; trường hợp hệ thống mặt trời của trang trại với công suất trên 01 MW hoặc trên 1,25 MWp; trường hợp hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV thì không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định tại Quyết định 13.
Hiện nay ưu đãi khuyến khích dành cho điện mặt trời mái nhà là 8,38 UScent/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh), cao hơn hẳn so với điện mặt trời mặt đất (7,09 UScent/kWh) và điện mặt trời nổi (7,69 UScent/kWh).
Bộ Công Thương cũng hướng dẫn trường hợp tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên, nhà xưởng, nhà kho chứa vật liệu, trong khuôn viên dự án điện mặt trời, nhà máy thủy điện, nhiệt điện để đầu tư điện mặt trời mái nhà và đề nghị lắp công tơ riêng. Khi đó, Bộ Công Thương cho phép EVN được thực hiện ký hợp đồng mua bán điện nếu thấy phù hợp quy định.
Trong văn bản, Bộ Công Thương cũng nêu rõ, nếu nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà có tổng công suất trên 1 MW trên cùng một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp, mỗi hệ thống được ký hợp đồng mua bán riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Liên quan đến các kiến nghị ưu đãi với trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà có công suất lớn hơn 1 MW và trang trại nông nghiệp có nhu cầu sử dụng chính tấm quang điện làm mái, Bộ Công Thương khẳng định sẽ nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng xem xét có cơ chế phù hợp để áp dụng sau năm 2020.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống điện mặt trời mái nhà được đấu nối phù hợp quy định, không gây quá tải lên hệ thống lưới điện hạ áp, trung áp và cao áp hiện hữu (đặc biệt là hệ thống lưới điện 110 kV).
Trước đó, tiêu chí xác định để phân biệt điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới nhằm xác định giá mua điện đã gây băn khoăn cho các nhà đầu tư, ngành điện cũng như các cơ quan quản lý.
EVN cũng từng nêu vướng mắc lớn nhất là định nghĩa công trình xây dựng và cơ sở xác định thế nào là điện mặt trời mái nhà. Bởi thực tế nhiều dự án điện mặt trời công suất dưới 1 MW đang được đầu tư theo mô hình trang trại nông nghiệp. Mô hình này sử dụng các tấm pin quang điện lắp trên khung giá đỡ nằm trên đất vườn, đất nông nghiệp với mục đích chính là để sản xuất điện mặt trời nhằm hưởng giá bán điện dành cho điện mặt trời mái nhà.
Hoặc một số công trình dùng chính tấm pin làm mái che và lắp đặt cách nhau một khoảng hở để lấy ánh sáng cho phù hợp với vật nuôi, cây trồng bên dưới. Sau đó lắp bổ sung các tấm lợp bên dưới xà gồ để được công nhận là điện mặt trời mái nhà. Hiện rất đa dạng về hình thức tấm mái (mái tôn, mái nhựa, lưới, bạt nilon...). Ngoài ra, cách thức lợp mái (trên, dưới xà gồ...) trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.
Bình luận (0)