Lãi suất cho vay cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Thúy
Lãi suất ưu đãi: Đối tượng hẹp
Cuối tuần qua, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gây “sốc” khi đưa ra chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống chỉ còn 14,5% - 15,5%/năm cho một số lĩnh vực. Theo đó, bắt đầu từ ngày 19-12, BIDV sẽ cho vay tài trợ hàng xuất khẩu dành cho DN có xếp hạng tín dụng A trở lên, có doanh số xuất khẩu lớn qua BIDV và cam kết bán lại ngoại tệ cho NH sẽ được vay lãi suất tối đa 15%/năm. Mức lãi suất 15,5%/năm dành cho DN ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, DN nhỏ và vừa có xếp hạng tín dụng A trở lên, sử dụng các dịch vụ khép kín tại BIDV… Riêng vay vốn khắc phục hậu quả bão lũ, lãi suất tối đa chỉ 14,5%/năm nhưng cũng kèm nhiều điều kiện.
Trước đó, nhiều NH khác cũng đưa ra các gói tín dụng tài trợ xuất khẩu, cho vay ưu đãi… với lãi suất từ 16,5% trở lên. Tuy nhiên, đi kèm là hàng tá điều kiện như cam kết bán ngoại tệ cho NH, sử dụng các dịch vụ cộng thêm của NH…
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp TS Lê Đăng Doanh, năm 2011 là năm khó khăn nhất với các DN. Khoảng một nửa DN vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động. Số liệu thống kê cho thấy cả nước có đến 30% DN phá sản hoặc ngừng hoạt động; 40% DN hoạt động cầm chừng… do ảnh hưởng bởi lãi suất quá cao, lạm phát.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ca cao - Cà phê Việt Nam, nhận xét: Mặt bằng chung lãi vay có giảm so với vài tháng trước nhưng mức độ chưa đủ tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN trong nước. Thông thường, quý IV hằng năm, các DN bắt đầu thu mua cà phê chuẩn bị mùa vụ mới nhưng hiện rất khó tiếp cận vốn vay, ngay cả vay lãi suất cao do nguồn vốn đang bị các NH siết lại. Chủ một DN sản xuất, thu mua cà phê tại Đắk Lắk cho biết DN ông đang phải vay vốn với lãi suất 21%/năm dù thuộc diện ưu đãi.
Lãi suất phổ biến vẫn cao
Nhìn nhận việc hạ lãi suất gây “sốc” của một số NH, TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: NH công bố giảm mạnh lãi suất cho vay về 14,5% - 15,5%/năm nhưng quan trọng là đối tượng nào hưởng mức lãi suất này? Dư nợ cho vay với lãi suất thấp này chiếm bao nhiêu phần trăm tỉ trọng?...
Khảo sát thực tế cho thấy hiện mức lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường tại các NH thương mại cổ phần phổ biến vẫn trên 20%/năm, các NH thương mại nhà nước từ 18% - 20%/năm. Báo cáo của NH Nhà nước về tuần hoạt động gần đây nhất cho thấy: Lãi vay phổ biến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu ở mức 15% - 18%/năm. Còn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác lãi suất cho vay phổ biến 18% - 21%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất vẫn cao 22% - 25%/năm.
Những năm trước, cuối năm thường là “mùa giải ngân” của NH khi DN có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, buôn bán. Năm nay không chỉ DN không muốn vay vì lãi suất cao mà ngay NH cũng muốn giữ lãi suất cao, hạn chế cho vay. Lý giải điều này, phó tổng giám đốc khối khách hàng DN của một NH cho rằng nhiều NH đều đang ở thế thủ và không muốn “tranh mua tranh bán”. Có NH dư thanh khoản, vẫn còn zoom tín dụng nhưng cũng không cho vay mà chỉ lo “phòng thủ”.
Nên áp trần lãi vay Các chuyên gia cho rằng muốn kéo lãi suất cho vay, trước hết phải giải quyết “nút thắt” nhằm hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên NH. Mặt khác, theo một số NH, chỉ áp trần huy động mà không có trần cho vay kéo dài như hiện nay là thiệt cho NH nhỏ. Thực tế, trần huy động 14% cào bằng giữa các NH khiến NH nhỏ khó huy động vốn từ dân cư buộc phải vay liên NH để bù đắp thanh khoản khiến lãi suất đầu ra tăng cao. Nếu áp trần lãi suất cho vay trong ngắn hạn (chẳng hạn 18%/năm), có thể hạ lãi suất cho vay “cứu” các DN và tạo công bằng hơn giữa các NH. Nếu lo ngại các NH áp dụng áp phí khi cho DN vay vốn để nâng lãi suất thì NH Nhà nước có thể kiểm soát bằng biện pháp hành chính. |
Bình luận (0)