Ngày 26-3, dọc tuyến đường vào khu nguyên liệu mía của xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, mía chất thành đống. Ông Cao Thái Thủy (ngụ thôn Trung, xã Ninh Tân) có 20 tấn mía vẫn chưa đưa về Nhà máy Đường Khánh Hòa.
“Nhiều lần tôi hỏi cán bộ của nhà máy nhưng họ trả lời phải chờ xử lý xong sự cố. Số mía của tôi chắc chắn bị giảm sản lượng, mất chữ đường. Nếu đợi nữa thì mía chỉ có nước thành củi. Nhà máy phải có hướng giải quyết cho gia đình tôi” - ông Thủy nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các vùng mía Diên Đồng, Diên Xuân (huyện Diên Khánh), Cam An Bắc, Cam An Nam (huyện Cam Lâm)… Nhiều người dân phải bán mía cho các thương lái để “chạy lỗ”. Hiện chính quyền thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị xử lý sự việc nêu trên.
Trong khi người trồng mía bị thiệt hại nặng thì tại đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm) - khu vực cạnh Nhà máy Đường Khánh Hòa - thủy sản vẫn tiếp tục chết, dạt vào bờ. Người nuôi thủy sản không thể lấy nước vào hồ nuôi, đành thu hoạch sớm. Ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ thôn Suối Cam, xã Cam Thành Bắc) cho biết toàn bộ 4 tấn ốc hương và 320.000 con tôm thẻ chân trắng gia đình nuôi ở đầm Thủy Triều đã chết, tổng thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. UBND huyện Cam Lâm đã yêu cầu người dân có đơn để lấy căn cứ thống kê, lên phương án bồi thường hỗ trợ.
Trước đó, một mẻ đường của Nhà máy Đường Khánh Hòa bị cháy làm men vi sinh trong hệ thống xử lý nước thải chết. Đến rạng sáng 13-3, công nhân lại ngủ quên, không kiểm tra đường dẫn nước thải vào hệ thống xử lý nên không phát hiện một bao tải mắc vào đường ống. Tiếp đó, nước thải chưa qua xử lý chảy tràn ra theo hệ thống thoát nước rồi đổ vào đầm Thủy Triều. Sự cố gây ô nhiễm vi sinh gấp 6-7 lần cho phép và làm cá tự nhiên chết hàng loạt. Nhiều người dân không biết nên lấy nước vào hồ nuôi khiến thủy sản chết hàng loạt.
Ông Đỗ Thành Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa (đơn vị chủ quản Nhà máy Đường Khánh Hòa), cho biết nhà máy không chối bỏ trách nhiệm và đang phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra mẫu nước để xác định nguyên nhân cũng như lên phương án đền bù.
Về lượng mía tồn đọng, theo ông Liêm, nhà máy đã đưa về khoảng 2.000 tấn mía theo lịch thu hoạch. Trước khi xảy ra sự cố, nhà máy đã thông báo cho người dân ngừng chặt mía để nhà máy làm vệ sinh nên chỉ thu gom số mía đã có trong kế hoạch. Hiện nay, nhà máy tồn 7.000 tấn mía chưa thể ép được vì sự cố.
Ngày 25-3, Công ty CP Đường Khánh Hòa thông báo xe mía đã có lịch thu hoạch chưa vận chuyển kịp về nhà máy được cộng 1CCS (chữ đường), nếu thấp hơn 9,5CCS thì tính bằng 9,5CCS. “Người dân thấy nhà máy ngừng hoạt động ai cũng nóng ruột. Bản thân nhà máy cũng chịu thiệt hại rất lớn, rất cần sự chia sẻ từ nông dân” - ông Liêm bày tỏ.
Theo ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, chỉ một sự cố mà gây thiệt hại đủ đường cho nhà máy, nông dân trồng mía, người nuôi trồng thủy sản và cả môi trường. Đây là một bài học cho các doanh nghiệp. Hiện nay, ưu tiên số 1 là nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy Đường Khánh Hòa.
Chưa biết lúc nào hoạt động trở lại
Ông Bùi Minh Sơn cho biết nhà máy phải dừng hoạt động đến khi nào khắc phục triệt để thì mới cho hoạt động trở lại. Giải pháp là bơm số nước thải đang tồn đọng ở mương thoát nước vào hồ vi sinh, đầu tư một hố chứa 4.000 m2 để chứa nước thải trong hệ thống xử lý bị hư. Sau khi khắc phục toàn bộ hệ thống xử lý nước thải thì mới bơm nước từ các hồ chứa tạm để xử lý.
“Nhà máy đã mời các chuyên gia từ TP HCM ra để cải tạo hệ thống. Chi cục đã niêm phong các cửa thoát nước và tiến hành giám sát. Chưa thể nói trước khi nào thì khắc phục xong” - ông Sơn nói.
Bình luận (0)