xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điều hành xuất khẩu gạo: Bất cập, bất ổn!

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Bên cạnh nguy cơ tồn ứ hàng triệu tấn lúa, gạo ở ĐBSCL, những ngày qua, tình hình tiếp tục “nóng” khi lãnh đạo các sở, doanh nghiệp... ở vựa lúa lớn nhất nước lên tiếng chỉ trích cách điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực VN

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Lê Gia Hằng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh nông sản Kiên Giang, cho biết công ty ông không được Hiệp hội Lương thực VN (gọi tắt là hiệp hội) giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo nên phải tự tìm khách hàng. Năm 2008, công ty xuất được 107.000 tấn gạo các loại. “Tháng 3 vừa qua, được một khách hàng đặt mua 5.000 tấn tấm và 5.000 tấn gạo 15% tấm, chúng tôi gửi văn bản nghề nghị hiệp hội cho xuất khẩu vì khi đó giá gạo đang lên. Tuy nhiên, hiệp hội không đồng ý” - ông Hằng bức xúc nói.

img
Nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đang ngập ứ gạo


Đẩy khó cho DN, nông dân


Ông Hằng phàn nàn: Nếu hiệp hội không cho xuất khẩu gạo vì vấn đề an ninh lương thực thì có lý nhưng công ty ông xin xuất khẩu tấm cũng không được. Qua 3 tháng để 5.000 tấn tấm nằm kho, công ty ông Hằng lỗ hơn 3 tỉ đồng vì tấm rớt giá. Thật tréo ngoe, nay giá đã xuống thấp, hiệp hội lại cho xuất!


Ông Phan Văn Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kiên Giang, cho rằng các quy định của hiệp hội đã dồn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vào thế khó. “Hôm nay, hiệp hội ra văn bản thông báo ngưng xuất khẩu gạo, ngay hôm sau văn bản đã có hiệu lực hoặc có hiệu lực trong ngày ký! Điều này gây khó khăn cho DN rất nhiều vì một hợp đồng hay các loại chứng từ xuất khẩu với nước ngoài phải mất từ một tuần đến 10 ngày mới xong, không thể nói ngưng là ngưng ngay được” - ông Đông cho biết.


Ông Phan Văn Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, khẳng định cách điều hành xuất khẩu của hiệp hội như hiện nay là không ổn. Theo ông, cần có sự tham gia điều hành của cơ quan chính quyền, nhất là UBND các tỉnh, thành chứ không thể khoán hết cho hiệp hội. Xuất khẩu gạo là cơ hội làm giàu cho đất nước, cho nông dân trồng lúa nhưng thời gian qua khâu điều hành xuất khẩu gạo của hiệp hội đã đi ngược lại những mục tiêu đó, thể hiện rõ nhất qua việc để tồn đọng một lượng lớn lúa hàng hóa trong dân, khiến nông dân bị thiệt hại rất lớn. “Trước khi quyết định ngưng xuất khẩu gạo, hiệp hội nên tham khảo ý kiến các địa phương để nắm tình hình” - một phó giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Tháp có ý kiến.


Sản lượng lớn, được giao chỉ tiêu ít


Mỗi năm, ĐBSCL sản xuất được 20 triệu tấn lúa, chỉ riêng vụ đông xuân đã chiếm đến 10 triệu tấn, tương đương 5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, chỉ tiêu xuất khẩu gạo cả nước năm 2009 chỉ khoảng 5 triệu tấn. Như vậy, chỉ cần một vụ đông xuân, ĐBSCL đã đủ gạo cho xuất khẩu; 10 triệu tấn lúa còn lại chưa biết bán cho ai nên nguy cơ ứ đọng lúa có thể sẽ tái diễn. Trong cuộc họp bàn về liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa xuất khẩu ở ĐBSCL do Bộ NN - PTNT chủ trì tại tỉnh An Giang mới đây, ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng quyết định giao chỉ tiêu xuất khẩu cho từng tỉnh, thành phải dựa trên sản lượng lúa hằng năm của địa phương đó, chứ không thể “cào bằng”. Lý do là diện tích trồng lúa giữa các địa phương không đồng đều. Theo bà Mai Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, địa phương này phải tự “bơi” để ký thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo cho cả năm 2009 là 700.000 tấn, chứ chỉ tiêu tỉnh Kiên Giang được hiệp hội giao chẳng thấm vào đâu so với sản lượng gạo mỗi năm của tỉnh (khoảng 1,7 triệu tấn). Tỉnh An Giang có sản lượng đến 3,5 triệu tấn lúa/năm nhưng chỉ tiêu xuất khẩu gạo được giao cũng chỉ khoảng 500.000 tấn. Còn tỉnh Đồng Tháp, mỗi năm sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn gạo hàng hóa nhưng chỉ tiêu xuất khẩu được hiệp hội phân bổ chỉ 450.000 tấn, dẫn đến hàng trăm ngàn tấn lúa, gạo đang tồn đọng trong dân, từ đây đến tháng 7 không biết bán cho ai. “Tình hình đó buộc chúng tôi phải bán gạo lại cho các tỉnh được giao chỉ tiêu nhiều hơn” - ông Lê Gia Hằng nói.

Hiệp hội Lương thực VN “đá lộn sân”?


Bà Mai Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho rằng Hiệp hội Lương thực VN nên làm nhiệm vụ chính là dự báo giá, kết nối thị trường, làm cầu nối cho DN; còn việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Theo đó, các sở công thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, thành để quyết định số lượng và giao chỉ tiêu cho các DN đủ khả năng đáp ứng. “Nếu việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo không dựa trên sản lượng của từng địa phương thì sẽ tiếp tục gây ra cảnh tồn ứ gạo” - bà Thanh nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo