Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo mới nhất về điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Với quan điểm "bỏ giấy phép thì quản lý bằng gì", các bộ - ngành tìm mọi cách "đẻ" ra các ĐKKD. Theo thống kê của CIEM về ĐKKD, riêng mảng công thương hiện còn khoảng 700 lĩnh vực quy định ĐKKD, lĩnh vực giao thông có 376, tài chính 490, y tế 327… Minh họa cho sự nảy nở của ĐKKD, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, dùng hình ảnh "cây phả hệ" để sắp xếp từ 243 ĐKKD "mẹ" quy định trong Luật Đầu tư, từ đó đẻ ra khoảng 600 ĐKKD "con". Trung bình 1 ĐKKD "mẹ" có 25 ĐKKD "con". Mỗi "con", trung bình có thêm 5-6 ĐKKD "cháu". Tính chung cả "cây phả hệ" là có hàng ngàn ĐKKD đang bủa vây doanh nghiệp (DN). Theo ông Hiếu, các bộ - ngành, địa phương đang coi ĐKKD là công cụ quản lý nhà nước với tư duy quản lý bằng mọi giá, không tính đến chi phí thời gian và tiền bạc của DN phải tăng lên để đáp ứng các ĐKKD này.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thừa nhận ngay cả CIEM cũng bị đòi hỏi phải có "giấy phép được nghiên cứu khoa học". Sự bủa vây của ĐKKD đang đẩy DN vào tình thế lúng túng, muốn kinh doanh cũng không biết phải lo đủ những loại giấy tờ và thủ tục gì.
Ông Cung cho rằng sự phức tạp, chồng lấn, rắc rối của những quy định về ĐKKD đang đẩy DN và nhà đầu tư vào tình thế lúng túng: không biết phải có những giấy tờ gì cho đủ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, loại bỏ giấy phép con là vấn đề được tiến hành từ hơn 10 năm qua nhưng không hiệu quả, càng gỡ càng rối, cải cách càng không đạt mục tiêu. Thậm chí, ĐKKD được ban ra không chỉ để bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước. Dùng giấy phép và ĐKKD để tạo quyền lực cho bộ quản lý... Hiện vẫn có những điều kiện mà DN muốn cũng không cách nào đạt được, điển hình như quy định trong vận tải ô tô, ô tô vận tải nội bộ cũng phải có phù hiệu (Nghị định 86/2014). Để được cấp phù hiệu, DN phải có giấy phép kinh doanh vận tải. Theo quy định, DN có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% thì không được cấp phép vận tải nên nhiều DN nước ngoài có đội xe vận tải riêng cũng không thể tuân thủ quy định.
Ông Phan Đức Hiếu nhận định nếu tiếp tục cắt bỏ ĐKKD như cách làm cả chục năm nay là rà soát để loại bỏ ĐKKD không hợp lý thì sẽ không hiệu quả bởi ĐKKD được "khai tử" ít, "khai sinh" thì nhiều, có không ít những giấy phép con đã bị cắt bỏ nhưng sau đó lại hồi sinh. Bản thân những người trong cuộc cũng không biết hiệu quả của công việc này trong thời gian tới sẽ đến đâu nếu không có cách thức xử lý mới. Hình thức ĐKKD cũng biến tướng và khó nhận diện vì được chuyển hóa thành quy chuẩn kỹ thuật...
Ông Hiếu đề xuất thành lập cơ quan độc lập có chức năng chính là cắt xén ĐKKD, xóa bỏ những quy định để tránh các bộ ngành tự xác định và xây dựng ĐKKD mới. Cần bãi bỏ cả những quy định chứ không riêng loại bỏ ĐKKD mới có thể ngăn ngừa tình trạng biến tướng, lách luật. Vì rất khó để các cơ quan quản lý tự giác bỏ ĐKKD.
Bình luận (0)