Chinh phục lại người tiêu dùng trong nước, sản xuất theo yêu cầu thị trường nhập khẩu và không chạy đua sản lượng xuất khẩu là những định hướng được các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đề xuất khi sửa đổi nghị định về xuất khẩu gạo.
GS Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp:
Trồng lúa như nuôi gà công nghiệp!
Năm 2016, Việt Nam bán không được gạo, giá trị xuất khẩu đã thua ngành rau quả. Gạo Việt Nam không ngon như gạo Thái Lan, Campuchia vì sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta hay so sánh vì sao gạo Việt bán giá 300 USD/tấn trong khi nước bạn bán 700, thậm chí 1.000 USD/tấn là khập khiễng. Người ta trồng gạo lúa mùa, mỗi năm một vụ trong điều kiện tự nhiên, gần như không dùng phân bón hóa học và không bị sâu bệnh nên không cần xài thuốc, năng suất tối đa chỉ 3,5 tấn/ha. Trong khi nông dân Việt Nam muốn năng suất lúa tối thiểu phải 5 tấn/ha, thực tế có thể đạt 7-8 tấn/ha, giống ngắn ngày để một năm trồng được 3 vụ. Có năng suất như vậy, nông dân phải bón phân rất nhiều nhưng lại không cân đối, chủ yếu là đạm, sạ dày nên sâu bệnh nhiều, chỉ làm giàu cho công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Cái kiểu cho lúa “ăn” như vậy rất giống với nuôi gà công nghiệp, mà giá gà công nghiệp thì làm sao so được với gà thả vườn. Cách canh tác như vậy góp phần vào biến đổi khí hậu rất lớn và làm cho đất đai kiệt quệ. Hiện đã có một số nơi chấp nhận sử dụng phân hữu cơ, bảo vệ sự màu mỡ của đất và làm ra gạo ngon, được thị trường chấp nhận.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):
Hướng đến cạnh tranh bình đẳng
Bộ Công Thương mới đây đã hủy bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, thực tế là: không hạn chế tối đa 150 đầu mối, không yêu cầu thành tích xuất khẩu 20.000 tấn trong 2 năm và không phân biệt địa bàn có kho sản xuất đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Như vậy, các thương nhân chủ động tính toán hiệu quả đầu tư và không chịu sức ép về thành tích số lượng xuất khẩu bằng một quy định hành chính không còn phù hợp. Nếu có khó khăn, xuất khẩu thấp hoặc không hiệu quả trong ngắn hạn, thương nhân vẫn có quyền tiếp tục hoạt động xuất khẩu để duy trì và phát triển kinh doanh trong tương lai, thay vì ngưng xuất khẩu và có thể đi đến phá sản do không còn điều kiện để tiếp tục kinh doanh dài hạn.
Hiện nay, xu hướng bao trùm của thị trường gạo thế giới là thương mại tự do, đòi hỏi gạo chất lượng cao, giá cạnh tranh và giảm mạnh thị trường tập trung theo hợp đồng ký mua bán gạo giữa các chính phủ. Thống kê năm 2016 cho thấy tỉ lệ gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung chỉ còn hơn 22%. Vì vậy, nếu cứ sản xuất ra mỗi năm 7-8 triệu tấn gạo chờ bán cho nước ngoài thì rất khó tiêu thụ trong bối cảnh hiện nay. Các chính sách ít chú ý đến DN nhỏ mặc dù họ rất năng động, có năng lực tiếp cận thị trường cũng cần được thay đổi. VFA đã phát hiện những bất cập để đề xuất thay đổi theo hướng tiến đến cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, không phân biệt các thành phần kinh tế.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An:
Làm cho người tiêu dùng tin
Một bộ phận người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chuộng gạo ngoại vì cho rằng an toàn hơn gạo Việt. Ngoài việc “sính ngoại”, còn có một sự thật khác là người tiêu dùng chưa tin DN Việt có thể làm ra gạo sạch. Vì thực tế lâu nay, thị trường nội địa bị bỏ ngỏ nên bát nháo, ai cũng tự xưng là “gạo sạch” nhưng sạch theo quy trình nào, tổ chức nào chứng nhận thì không phải DN nào cũng chứng minh được. Thử hỏi gạo ngoại trên thị trường có truy xuất được nguồn gốc không? Quy trình trồng, chế biến ra sao có được công khai không? Nếu không thì chưa chắc là sạch thật.
Với thị trường Mỹ, chúng tôi vẫn xuất khẩu bình thường, chưa từng có lô hàng bị cảnh báo. Lý do là trước khi xuất khẩu đã tìm hiểu kỹ thị trường, canh tác theo quy trình thực hành tốt, tuân thủ thời gian cách ly, nếu loại thuốc nào Mỹ không cho sử dụng thì tìm thuốc thay thế. Dù vậy, gạo sau khi sang Mỹ, được bán dưới tên thương hiệu của thương nhân nhập khẩu, nhà sản xuất Trung An bị ghi rất nhỏ hoặc giấu đi. Vì thế, dự định sắp tới của công ty là xây dựng chiến lược rút ngắn khoảng cách với người tiêu dùng tại Mỹ bằng việc mở văn phòng tại nước này, dần dần xây thương hiệu.
Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp):
Giá gạo tăng gấp rưỡi cũng không sao
Để hạt gạo được xuất khẩu tự do sẽ có lợi về mọi mặt. Ngành gạo có thể làm nên kỳ tích như cá tra khi có mặt ở 150 thị trường thế giới nhờ được tự do “ra đi” và mang ngoại tệ về. Cơn khủng hoảng của cá tra là do không có thị trường nội địa hậu thuẫn, còn ngành gạo thì khác hẳn. Chúng ta có thị trường nội địa hơn 90 triệu dân là nền tảng cực tốt để xử lý quan hệ cung - cầu cho hạt gạo. Khi sửa các quy định liên quan đến ngành gạo, cần xác định đối tượng được hưởng lợi là nông dân, không phải trung gian hay người tiêu dùng. Vì thực tế, chi phí cho tiền gạo trên bữa ăn là không nhiều. Nếu gạo có tăng giá gấp rưỡi, từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/kg cũng không sao. Nếu xảy ra tình trạng DN xuất bán được ồ ạt dẫn tới hụt nguồn cung nội địa thì nông dân hưởng lợi ngay. Nếu giá bán lúa tăng gấp rưỡi thì quá tuyệt vời cho nông dân và chỉ có tình trạng hụt cung mới có trạng thái như vậy. Trong trường hợp thừa cung, giá có lợi thì DN sẽ nắm bắt cơ hội ngay nên giá bình quân thị trường gạo sẽ giữ được mức cao.
Khi Trung Quốc không còn dễ tính
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, có lúc chiếm đến hơn 50% thị phần, kể cả gạo đi bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nước này liên tục có những biện pháp kiểm soát gạo nhập lậu. Đối với gạo chính ngạch, họ “siết” bằng hàng rào kỹ thuật và đưa ra khái niệm an toàn thực phẩm gạo gắn với truy xuất nguồn gốc theo cách tiếp cận của các thị trường khó tính đang làm với nông sản nhập khẩu. Hai tuần cuối tháng 11-2016, đoàn kiểm tra từ Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và Kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) đã kiểm tra thực tế tại 31 DN gạo Việt Nam và cấp phép xuất khẩu cho 22 DN, bắt đầu từ ngày 1-1. Những DN còn lại sẽ không được xuất khẩu khi chưa được cấp phép. Trung Quốc cũng quy định không cho phép DN con sử dụng chung giấy phép xuất khẩu của DN mẹ.
Thông tin từ các thành viên của Việt Nam tiếp đoàn kiểm tra Trung Quốc cho biết rất nhiều DN Việt bị trừ điểm do người đứng đầu không am hiểu quy trình về bảo đảm an toàn thực phẩm mà phó thác cho bộ phận chuyên môn. Các vấn đề về vùng nguyên liệu cũng bị truy rất nhiều cho thấy nếu DN nào chỉ biết thu gom mà không liên kết với vùng trồng thì rất khó trụ lại thị trường Trung Quốc.
Theo VFA, Trung Quốc có khả năng sẽ đưa nếp và tấm vào diện phải mua hạn ngạch (quota) như gạo thay cho việc nhập khẩu tự do như hiện nay, khiến sản lượng xuất khẩu 2 mặt hàng này có thể sụt giảm bất cứ lúc nào.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật vừa có thông báo AQSIQ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra lần 2 đối với các DN gạo trong năm 2017. Theo đó, với 9 DN đã kiểm tra nhưng chưa đạt yêu cầu thì phải sớm khắc phục theo phản hồi từ đoàn kiểm tra để được đánh giá lại. Những DN có nhu cầu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật để được kiểm tra trong đợt này.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu các DN đã có giấy phép xuất khẩu phải tuân thủ đúng các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của 2 nước. Tuyệt đối không để tình trạng vi sinh vật gây hại trên lô hàng gạo xuất khẩu để ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam.
Một số DN vẫn có tâm lý cho rằng Trung Quốc “làm khó” gạo Việt nhưng theo các DN đầu tư bài bản thì những quy định này không hề khó nếu DN làm thật và muốn bán gạo sạch cho người tiêu dùng. Không chỉ người tiêu dùng Trung Quốc hay quốc gia nào khác mà thị trường nội địa cũng cần gạo sạch. Khi thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất thay đổi theo hướng an toàn là yêu cầu số 1 thì thị trường trong nước cũng hưởng lợi.
Vương Ngọc
Bình luận (0)