Sáng 26-7, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị "Phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2018". Ông Nguyễn Hiệp, Cục phó Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, cho biết: "Trong năm 2017, xuất hiện 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên, nhiệt độ cao nhất trong mùa hè với 42 độ C. Trong năm này, thiên tai làm 386 người chết và mất tích, hơn 8.100 ngôi nhà bị sụp đổ, 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng phải di dời… tổng thiệt hại 60.000 tỉ đồng".
Tuy đỉnh lũ năm 2018 sẽ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến khu vực ĐBSCL. Ảnh: THỐT NỐT
Trong năm 2018, từ đầu năm đến nay đã có 3 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện, nhiều dông, lốc, sét làm hơn 18.500 nhà ngập, hư hỏng; hơn 90.800 ha lúa, hoa màu thiệt hại; 109 người chết và mất tích... Tổng thiệt hại 2.500 tỉ đồng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Đến cuối tháng 7, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên mức từ 2,5-2,8 m. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc ở mức báo động (BĐ) 2 và trên BĐ 2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Các trạm chính vùng hạ nguồn lên mức BĐ 3 và trên mức BĐ 3 từ 0,1-0,2 m.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10. Tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến khu vực. Tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, thông tin: "Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, khoảng cuối tháng 7, lượng nước từ sự cố vỡ đập tại Lào sẽ về 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp với mực nước tăng thêm từ 7-8 cm, không đáng kể".
Bình luận (0)