Không thể kỳ vọng vào “bầu sữa” từ nguồn vốn giá rẻ của các ngân hàng (NH), nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản ở TPHCM đã tự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để tồn tại, vượt qua khó khăn.
Giảm giá, chuyển nhượng…
Chưa biết việc tuyên bố sẽ giảm giá hàng loạt dự án căn hộ (thậm chí giảm đến 50% so với các sản phẩm khác cùng vị trí) của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), là “đòn gió” hay thực sự như đợt đại hạ giá sản phẩm đến 40% vào đầu năm 2009, nhiều DN địa ốc tại TPHCM không khỏi lo lắng. Từ đó, DN buộc phải lên kế hoạch bán hàng dự phòng nhằm tránh những khó khăn nếu gặp trường hợp HAGL “xả lũ” với gần 2.000 căn hộ có diện tích từ 60 - 90m2.
Một dự án căn hộ của Quốc Cường Gia Lai tại quận 8- TPHCM
Dù hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 được đánh giá là thành công, Công ty Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) cho biết sẽ tìm đối tác hoặc chuyển nhượng dự án khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè) có diện tích 29.698 m²; chuyển nhượng dự án khu đất Thạnh Xuân (quận 12) có diện tích 10.278 m²... Nhiều DN khác cũng sẵn sàng chuyển nhượng dự án đang thực hiện dở dang cho các đối tác hoặc giảm giá bán từ 10% đến 20%, tung nhiều chiêu khuyến mãi để hút khách mua căn hộ…
“Chẻ” nhỏ căn hộ, đổi sản phẩm
Một số DN cho biết họ đã xin được duyệt điều chỉnh diện tích căn hộ xuống một mức hợp lý bảo đảm giá thành căn hộ khi bán ra phù hợp với nhu cầu của phần lớn khách hàng hiện nay. Nếu trước đây, mỗi căn hộ diện tích thường từ 90 m2 trở lên, thậm chí có những căn hộ diện tích lên đến 300 m2, thì nay DN xin điều chỉnh còn từ 60 - 80m2.
Tuy nhiên, không phải chủ dự án nào cũng xin điều chỉnh được diện tích căn hộ. Do đó nhiều DN cho biết họ đang chờ Bộ Xây dựng hoàn thiện Nghị định Quản lý phát triển đầu tư nhà ở đô thị đang được lấy ý kiến và dự kiến trong quý II/2012 sẽ áp dụng. Theo đó, diện tích căn hộ trong các dự án xây dựng có thể được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Một hiện tượng đáng lưu tâm khác là trước đây nhà thầu thi công, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng thường được nhận “tiền tươi, thóc thật” thì nay nhiều đơn vị buộc phải chấp nhận chương trình “đổi căn hộ”. Tại chung cư Linh Đông (quận Thủ Đức), một số nhà cung ứng vật tư đã chấp nhận quy đổi giá trị vật liệu xây dựng thành căn hộ. Ông Trần Hải Minh, Tổng Giám đốc TECCO - chủ đầu tư chung cư Linh Đông, cho biết hiện có 3 nhà sản xuất vật liệu xây dựng đang đàm phán để đổi căn hộ.
Không chỉ có các chung cư giá thấp, nhiều chung cư cao cấp ở khu Nam TP cũng đang có chương trình tương tự. Một nhà thầu thi công cho biết để được trúng thầu một dự án trên đường Nguyễn Hữu Thọ, đơn vị phải chấp nhận chỉ nhận một khoản tiền mặt, còn lại là 40 căn hộ để đổi lấy giá trị khối lượng xây lắp công trình...
Ngân hàng làm trung gian Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc NH Đầu Tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết đầu tháng 5-2012, đơn vị sẽ đưa ra gói sản phẩm tín dụng mới có tên “bốn nhà”. Theo đó, BIDV sẽ đứng vai trò trung gian giữa các bên là chủ đầu tư, nhà thầu thi công và nhà cung cấp vật liệu xây dựng để làm “trọng tài”, bảo đảm thanh toán sòng phẳng, minh bạch theo hợp đồng các bên đã ký thông qua các hoạt động cấp tín dụng và bảo lãnh. Các DN tham gia sẽ được cung ứng vốn kịp thời, lãi suất hợp lý, với mức tối đa 17,5%/năm. BIDV có thể cho 3 nhà này vay từ 70% - 90% giá trị dự án, giá trị xây lắp, cung ứng vật tư. |
Bình luận (0)