Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 15-2, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị với các tập đoàn, tổng công ty 91 về triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2011.
Khó trụ với lãi suất 20%/năm
Kiến nghị từ đại diện các doanh nghiệp (DN) tập trung vào một số nội dung liên quan đến chính sách. Cụ thể: Tiếp tục thực hiện giá thị trường đối với mặt hàng chiến lược như điện, than, xăng dầu; điều chỉnh lãi suất, tỉ giá.
Theo một số DN, việc bao cấp giá các mặt hàng nói trên không chỉ tác động lỗ dây chuyền đối với nhiều DN mà còn khuyến khích lợi dụng giá năng lượng rẻ để đầu tư vào các ngành tiêu tốn năng lượng, không khuyến khích chuyển đổi công nghệ.
Tại hội nghị, ý kiến của ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), gây được sự chú ý vì ông cho biết mỗi ngày, Petrolimex chịu lỗ khoảng 70 tỉ đồng do phải bán xăng dầu dưới giá thành.
Quỹ bình ổn trích lập cả năm để bù đắp chênh lệch giá chỉ bù được một tháng. Mỗi tháng, Petrolimex cần khoảng 400 triệu USD để nhập khẩu nhưng phải vay bằng VNĐ vì ngân hàng không có USD, riêng phần chênh lệch tỉ giá do mua ngoài thị trường đã lên đến 2,7 tỉ đồng.
Tăng mua xăng dầu của Dung Quất, gánh nặng ngoại tệ giảm cho Petrolimex nhưng lại chuyển sang cho Dung Quất vì nhà máy này vay USD để nhập khẩu thiết bị máy móc.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN, cho biết mỗi ngày,
doanh nghiệp chịu lỗ khoảng 70 tỉ đồng do phải bán xăng dầu dưới giá thành. Ảnh: TẤN THẠNH
Việc kìm giá xăng là cần thiết nhưng đã nhìn thấy những khó khăn do nguồn lực của Nhà nước có hạn. “Rõ ràng là phải có cách thức điều hành hợp lý hơn để giá xăng dầu tiệm cận cơ chế thị trường mà vẫn bảo đảm sự quản lý của Nhà nước” - ông Bảo kiến nghị.
Bên cạnh đó, vấn đề lãi suất cao là một trở ngại lớn đối với kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của hầu hết các DN. Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Xi măng VN, cho biết lãi suất cho vay công bố là 18%/năm nhưng lãi suất thực là 20%/năm, trong khi lợi nhuận của DN chỉ đạt 13%-14% đã là khó.
Đại diện Tập đoàn Cao su VN cũng cho biết năm 2011 sẽ đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng, trong đó phải vay ngân hàng 7.000 tỉ đồng. “DN chưa dám vay và phải chờ lãi suất ổn định trở lại vì khó đạt mức lợi nhuận trên 20% để bảo đảm có lãi” - vị đại diện này nói.
Chỉ Vinashin và EVN lỗ
Theo Ban Đổi mới và Phát triển DN, năm 2010, quy mô vốn chủ sở hữu của 21 tập đoàn, tổng công ty 91 (trừ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN - Vinashin) đạt 540.701 tỉ đồng, tăng 11,75% so với năm trước. 20/21 tập đoàn, tổng công ty 91 có lãi, trừ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lỗ 8.596 tỉ đồng.
Khối DN Nhà nước, trong đó chủ lực là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang đóng góp gần 40% GDP, là khu vực có lương cao nhất, phúc lợi cao nhất và gần như không để công nhân thất nghiệp.
Ngay cả Vinashin trong lúc tái cơ cấu, gần 50.000 người lao động vẫn có công ăn việc làm. Khối DN này vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm 2011 mặc dù diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước được cho là tiếp tục khó khăn.
Tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các DN và cho rằng những kiến nghị được các DN đưa ra để tháo gỡ là hết sức xác đáng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các DN bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phải tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là đẩy mạnh cổ phần hóa. Đây là khâu quan trọng của việc đổi mới hoạt động DN Nhà nước.
Việc cổ phần hóa phải gắn với quá trình cơ cấu lại DN theo hướng chất lượng, hiệu quả, tập trung vào các ngành nghề chính, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan, kém hiệu quả.
Các DN cũng phải cùng với Chính phủ hỗ trợ để tái cơ cấu thành công Tập đoàn Vinashin theo đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị.
“Chính phủ sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các vấn đề về tỉ giá, lãi suất, giá cả, lạm phát. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, than, xăng dầu” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. |
Bình luận (0)