Định hướng năm 2022, với quyết tâm "vượt khó, cách tân - thị phần giữ vững", ban lãnh đạo Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tập trung nguồn lực để cách tân nội tại ở tất cả hoạt động vận hành, đây là mục tiêu quan trọng để tạo nền tảng tăng tốc trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Kiên trì vượt khó
Tại hội nghị Tổng kết năm 2021 và tầm nhìn định hướng năm 2022 của Saigon Co.op diễn ra ngày 29-3, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: "Trong năm 2021, dưới tác động của dịch bệnh và việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Theo đó, thu nhập của người dân bị giảm đã làm thay đổi hành vi mua sắm và thói quen tiêu dùng theo xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu. Ngành bán lẻ Việt Nam cũng chịu tác động nặng khi giảm đến 3,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015, trong đó riêng TP HCM giảm đến 21,9%".
Kết quả kinh doanh của Saigon Co.op trong năm 2021 ghi nhận doanh số đạt 30.671 tỉ đồng. Công tác phát triển mạng lưới bị ảnh hưởng lớn do dịch, trong đó phát triển thêm được gần 40 điểm bán mới gồm Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và Finelife. Cũng trong năm qua, Saigon Co.op đã tập trung rà soát, đóng cửa những điểm bán không hiệu quả trong chuỗi mô hình bán lẻ nhỏ ngưng hợp tác với các Co.op Food nhượng quyền, do đối tác không đáp ứng các điều khoản cam kết trong hợp đồng.
Tập thể lãnh đạo Saigon Co.op quyết tâm đồng lòng thực hiện các mục tiêu kinh doanh đã đề ra trong năm 2022
Trong điều kiện chung hết sức khó khăn, các hoạt động hỗ trợ, phối hợp, hợp tác kinh doanh giữa Saigon Co.op và các hợp tác xã (HTX) thành viên vẫn được duy trì nhằm thiết thực hỗ trợ mô hình HXT tại Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, linh hoạt, phù hợp xu hướng hội nhập đồng thời hỗ trợ hình thành liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản Việt. Đây là điểm sáng đáng tự hào của đơn vị.
Ứng dụng số hóa để phát triển bền vững
Bước sang năm 2022, thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng như chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ từ truyền thống sang hiện đại. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục sẽ làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, lưu lý Saigon Co.op cần tổ chức lại cách hoạt động để giữ vững thị phần, giữ vững vị trí là nhà bán lẻ thuần Việt hàng đầu Việt Nam.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức nhìn nhận, bối cảnh hiện tại đặt doanh nghiệp nhiều ngành nghề, trong đó có bán lẻ và lựa chọn duy nhất là phải chuyển đổi số, ứng dụng điện toán hóa vào hoạt động nếu không muốn bị lạc hậu và rớt lại phía sau. "Quá trình số hóa chính là trọng tâm hoạt động của Saigon Co.op. Số hóa là trung tâm trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vì sự hợp tác của các đối tác, bạn hàng, nhà sản xuất với người tiêu dùng" - ông Đức nhấn mạnh và cho rằng số hóa tại Saigon Co.op tương đối khác biệt so với các đối tác khác về tính toàn diện, tính chất chiều sâu, chuyên môn hóa và việc ứng dụng điện toán hóa, số hóa không giống nhau giữa các đối tác, bạn hàng. "Saigon Co.op có khoảng 2.000 nhà cung cấp, trong đó có những nhà cung cấp mang tính chất nhỏ lẻ, HTX, nông dân còn hạn chế trong việc ứng dụng số hóa nhưng cũng có nhiều đối tác là tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn có thế mạnh trong ứng dụng kinh tế số vào mọi hoạt động. Sự khác biệt giữa các đối tác này dẫn đến việc điện toán hóa, số hóa và kể cả ứng dụng thương mại điện tử của Saigon Co.op cũng đang có những giải pháp để làm theo cách riêng của mình nhằm thực hiện công tác điện toán hóa, số hóa trong từng lĩnh vực để tạo khác biệt rõ ràng" - ông Đức nói thêm.
Saigon Co.op xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là: tập trung số hóa - điện toán hóa, tinh chuyển, chấn chỉnh các hoạt động; tập trung đầu tư kho bãi - logistics, chú trọng thương mại điện tử... mục tiêu phấn đấu doanh số tăng trưởng 4,5% so với năm 2021.
Tận hiến vì cộng đồng
Ông Nguyễn Anh Đức cho hay xuyên suốt trước, trong và sau các đợt cao điểm của dịch bệnh, Saigon Co.op luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao bằng sự tận tụy thực hiện tốt nhiệm vụ do lãnh đạo thành phố giao về bình ổn thị trường, thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, tích cực thực hiện công tác phòng chống dịch ... Vào thời điểm dịch căng thẳng nhất, Saigon Co.op đã tiên phong phối hợp với lực lượng quân đội, các đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện "đặt mua chung" để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các khu vực dân cư, phong tỏa, cách ly, các "vùng xanh"... Qua đó, phần nào đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội, cùng thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Saigon Co.op đã phối hợp với các lực lượng để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân khi dịch căng thẳng nhất
Đặc biệt, trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự do dịch Covid-19 nhưng Saigon Co.op vẫn nỗ lực tối đa để phục vụ cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, điểm tiêm chủng, chốt trạm... Đơn vị cũng hỗ trợ kịp thời 1.000 "túi an sinh" gồm các thực phẩm thiết yếu đến công đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, bảo đảm lực lượng lao động tiếp tục sản xuất, kinh doanh cùng doanh nghiệp.
Bình luận (0)