Nếu xem tiền là máu thì các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) TPHCM hiện nay đang ở trong tình trạng “khô máu”.
Lãi suất ăn mòn doanh nghiệp
Nguyên nhân “khô máu” được các doanh nghiệp lý giải là do thiếu vốn và không tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng, nếu tiếp cận được cũng phải chịu lãi suất rất cao đến 24% – 25%/năm (chưa tính các chi phí khác). Song song đó, giao dịch trên thị trường ảm đạm dẫn đến sụt giảm mạnh thanh khoản của thị trường BĐS. Theo con số thống kê chưa chính thức, hiện tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS trong hệ thống ngân hàng là 200.000 tỉ đồng với lãi suất bình quân 20%/năm. Năm 2012 dù thị trường địa ốc đóng băng, doanh nghiệp BĐS kể cả không làm gì cũng phải gồng lưng trả lãi ngân hàng khoảng 40.000 tỉ đồng/năm… Lãi suất đang ăn mòn doanh nghiệp BĐS.
Trước thực trạng này, đại diện các doanh nghiệp BĐS TPHCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay. Có lộ trình cụ thể để đưa lãi suất cho vay trở về mức 11% – 12%/năm để nền kinh tế và thị trường BĐS phát triển bình thường và ổn định. Nếu vẫn phải vay với lãi suất trên dưới 20%/năm là gánh nặng quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Đặc biệt, cho doanh nghiệp được gia hạn nợ hoặc đảo nợ đến hạn để cầm cự trong giai đoạn khó khăn… Ông Châu cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho dãn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% hiện nay xuống còn 18% - 20% và cho dãn tiến độ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đến hết ngày 31-12-2013.
“Chính phủ có cần phải đưa ra những giải pháp mạnh để cứu BĐS? Nhiều doanh nghiệp đã thực sự cận kề ngưỡng phá sản? Sức chịu đựng của doanh nghiệp kéo dài thêm được bao lâu?...” là hàng loạt câu hỏi mà ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Đoàn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đặt thẳng với doanh nghiệp. Theo ông Ngoạn, nhiều ý kiến cho rằng các số liệu hiện nay đang được “vống” lên, chứ thực tế khó khăn chỉ ở mức độ vừa phải. Theo số liệu ngân hàng đưa ra, hiện dư nợ của doanh nghiệp BĐS chiếm 8% – 9% trong tổng dư nợ của ngân hàng, nợ xấu chỉ chiếm 3,8%. Với mức dư nợ này chưa phải thật sự nguy hiểm cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Ngoạn cũng thừa nhận: “Hiện số liệu từ nhiều nguồn chưa thật rõ ràng nên chúng tôi cũng “bí” trong việc hoạch định chiến lược kinh tế vĩ mô trình Chính phủ…”.
Chỉ đạo nhiều, triển khai ít
Cầm trên tay tờ báo có thông tin về chỉ thị của Thủ tướng cho các ban ngành liên quan về giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS phải thực hiện trong quý I/2012, ông Nguyễn Phụng Thiều, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Sài Gòn – Gia Định, than thở: “Giao nhiều việc cho các ngành nhưng thấy triển khai thực hiện lại quá ít. Nhiều chính sách không phù hợp được doanh nghiệp kêu nhiều lần nhưng lại chậm chỉnh sửa, nhất là những thủ tục hành chính và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm đội giá thành nhà đất lên cao”.
Sẽ báo cáo Thủ tướng Kết thúc buổi đối thoại, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng kiến nghị dãn thuế của các doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng có thể giúp được doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn tạm thời. Bên cạnh đó, việc cho dãn nợ, vay vốn, đẩy nhanh giảm lãi suất… là những việc cần thiết nhưng không phải đại trà mà nguồn lực này phải đi đúng vào trọng tâm, trọng điểm. Có như vậy, mới kích thích toàn thị trường hoạt động ổn định theo hướng tốt và minh bạch hơn. Đoàn sẽ tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng. |
Bình luận (0)