xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp bị động vì thiếu nguyên liệu

Phương An - Thùy Dương

Dịch bệnh Covid-19 đã làm lộ ra thực tế nhiều ngành sản xuất của Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và không dễ thay thế bằng nhập khẩu thị trường khác

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) mà còn kéo giảm tiêu dùng nội địa. Thế nhưng, đến thời điểm này, những giải pháp ứng phó chỉ là tạm thời trong thời gian chờ nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc phục hồi.

Dệt may cầm cự đến hết tháng 3

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 253 tỉ USD thì riêng nhập từ thị trường Trung Quốc là 75 tỉ USD. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất công nghiệp đạt 14,9 tỉ USD, tăng 28% so với năm trước. Nhóm hàng bông, xơ sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày… nhập khẩu năm 2019 chủ yếu từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỉ USD.

Trong số các ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, dệt may đang đối mặt nhiều mối lo nhất bởi đến 80% nguyên phụ liệu dệt may là hàng Trung Quốc. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, ngưng hoạt động dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trầm trọng. Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEK), cho hay nhóm DN lớn (chủ yếu sản xuất xuất khẩu và sử dụng khoảng 80% nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc) chỉ dự trữ đủ nguyên phụ liệu cho sản xuất trong tháng 2 và tháng 3. Nếu đến giữa tháng 3 chưa nhập thêm thì khả năng sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất trong tháng 4, 5. Trường hợp đến cuối tháng 3 vẫn không có nguyên phụ liệu, DN sẽ rất khó khăn bởi sẽ phá vỡ cấu trúc về chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhóm các DN vừa và nhỏ (tỉ lệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa 50:50) cũng chịu chung số phận nguyên liệu sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nhóm DN lớn. Cuối cùng là những DN sản xuất phục vụ thị trường nội địa, nguy cơ không chỉ thiếu hụt nguyên phụ liệu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra.

Doanh nghiệp bị động vì thiếu nguyên liệu - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cũng đứng trước nguy cơ thiếu linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc Ảnh: TẤN THẠNH

Một đại diện khác của AGTEK cho hay tình hình chung là DN đang rất lo lắng vì có những loại vải chỉ Trung Quốc sản xuất được. "Phía Trung Quốc thông báo 20-2 sẽ làm việc lại bình thường, nếu đúng như vậy thì cũng phải mất thêm một thời gian mới có hàng về Việt Nam. Trường hợp sau ngày 20-2 họ tiếp tục đóng cửa, tình hình sẽ rất căng thẳng" - vị đại diện này cho biết tạm thời DN của ông có thể đặt hàng ở Hàn Quốc nhưng số lượng rất ít, giá cao. Chưa kể, với hợp đồng xuất khẩu đã ký, khách hàng chỉ định nhà cung cấp Trung Quốc nên nếu muốn thay đổi nhà cung cấp phải thương lượng lại hợp đồng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết các DN thuộc Vitas nhập khẩu tới 55%-60% nguyên phụ liệu dệt may như vải, xơ sợi… từ Trung Quốc. Dịch Covid-19 đang tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong ngành. Do đó, Vitas đã đề nghị các DN hội viên gửi báo cáo về tác động cụ thể của dịch bệnh tới tình hình sản xuất kinh doanh của DN để hiệp hội tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Ngoài ra, Vitas cũng đã tổ chức đoàn DN sang Ấn Độ tìm hiểu về nguồn nguyên phụ liệu nhưng đây chỉ là giải pháp tình huống, dự trù cho khả năng các nhà máy sản xuất của Trung Quốc kéo dài thời gian đóng cửa. Còn để chuyển đổi nguyên liệu của ngành dệt may thì cần nhiều thời gian.

Để hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, các DN cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị DN theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch và thời gian đóng, mở cửa cửa khẩu của Trung Quốc và các nước có người bị lây nhiễm để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Đồng loạt kêu cứu

Mới đây, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi công văn đến các bộ, ngành đề xuất hỗ trợ DN ngành nhựa trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong văn bản, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, cho hay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 sản phẩm nhựa của Việt Nam và một bộ phận không nhỏ DN nhựa Việt Nam cũng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, hóa chất, phụ gia từ Trung Quốc. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài hết quý I/2020, DN sẽ không có nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa cũng yếu hẳn do người tiêu dùng chỉ mua những vật dụng cần thiết trong mùa dịch, hạn chế đi lại và tập trung đám đông đã ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, dự báo tình hình sản xuất, doanh thu của DN trong ngành sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, bởi giá thành có nguy cơ tăng do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, phải chuyển qua các thị trường nhập khẩu có giá cao hơn. Theo ông Quốc Anh, đa phần DN ngành này chỉ đủ nguyên liệu để sản xuất cho đến giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Nếu sau thời điểm này, nguyên liệu mới không về kịp sẽ xảy ra nguy cơ nhiều nhà máy phải đóng cửa. Với nhựa bán thành phẩm, phụ kiện hoặc phụ gia công nghiệp để phục vụ sản xuất đồ nhựa, hàng thường được nhập thường xuyên, ít DN dự trữ. Do đó, tình trạng DN Trung Quốc ngừng sản xuất và việc giao thương bị ngưng trệ, nhiều DN nhập khẩu phía Việt Nam đã gặp khó tức thời.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP HCM (HBA), cho hay hàng ngàn DN trong KCX-KCN và Khu Công nghệ cao TP HCM cũng hết sức lo lắng tình hình thiếu hụt nguyên liệu đang làm đình trệ sản xuất, thậm chí ngưng sản xuất ngay trong ngắn hạn chứ không chờ đến kế hoạch trung hạn.

Trong khi chưa tìm được nguồn nguyên liệu khác để thay thế, HBA đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành có liên quan như Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan có ngay giải pháp cấp bách kịp thời vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc, nhất là hàng hóa nguyên phụ liệu sản xuất.

Chi hội DN Khu Công nghệ cao cũng lo ngại một lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2, 3 do thiếu nguyên vật liệu sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng trong quý I/2020.

Trong buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM mới đây, đại diện một số hội ngành nghề trên địa bàn TP đã kiến nghị có chính sách hỗ trợ DN giãn nợ, khoanh nợ… để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất, không bán được hàng. VPA trong văn bản gửi bộ, ngành cũng đề nghị liên bộ đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ DN trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế... 

Doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp khó

Tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội liên quan đến dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có khả năng gặp khó nếu không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, Formosa có thể bị ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh nếu không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc hoặc Samsung có thể sụt giảm doanh số đến 50% trong năm 2020 nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn. Kế hoạch tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% năm 2020 của Apple có thể bị ảnh hưởng bởi sản lượng của Apple phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG... nên sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.

Nhiều hãng xe bị ảnh hưởng

Tổng giám đốc một DN sản xuất ôtô nhận định sẽ có nhiều hãng xe bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi nguồn cung phụ tùng phục vụ sản xuất bị giảm sút do các nhà máy đặt tại Trung Quốc ngừng hoạt động, nhất là những hãng xe phụ thuộc vào chuỗi sản xuất ở Trung Quốc. "Chúng tôi đang nhập dây điện để phục vụ sản xuất xe hơi từ một công ty ở Đức và công ty này có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nguồn cung từ một nhà máy ở tỉnh Hải Dương (Việt Nam). Ngoài ra, có thể nhập ở Ấn Độ, Hàn Quốc, giá nhập cũng chưa tăng nên chưa bị ảnh hưởng" - vị tổng giám đốc nói và cho biết trong tình huống bị tăng giá nhập khẩu linh kiện, DN sẽ tính đến sử dụng quỹ bình ổn, cân đối chi phí, giá thành để không phải tăng giá xe.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo