Ngày 27-2, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã đến kiểm tra hiện trường Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã đến kiểm tra dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 8.925 tỉ đồng. Đây là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP), nhà đầu tư là liên danh Đèo Cả - 194. Tuyến có chiều dài 80 km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, trong đó đoạn qua Khánh Hòa 5 km, Ninh Thuận 63 km và Bình Thuận 12 km
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 85 (PMU85), hiện toàn tuyến huy động 32 mũi thi công đường, 35 mũi thi công cầu, 10 mũi thi công hầm với gần 2.000 nhân sự. Đến nay, tổng sản lượng thực hiện đạt 3.191/7.587 tỉ đồng, cơ bản đạt tiến độ yêu cầu. Trong đó, phân đoạn từ Km92+260 - Km134+000 do Đèo Cả thực hiện đạt 46% tiến độ. Phân đoạn từ Km54 - Km92+260 do Công ty 194 thực hiện, khối lượng thực hiện đến nay là 1.112/3.041 tỉ đồng, tương đương 36,4% tổng khối lượng.
Sau khi nghe PMU85 báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá về tổng thể, dự án cơ bản đảm bảo tiến độ chung, tuy nhiên một số phân đoạn, hạng mục thi công chưa theo kịp tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu nhanh chóng huy động thêm nhân sự, máy móc thiết bị nhằm đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. "Các nhà đầu tư, nhà thầu tích cực cầu thị, đẩy nhanh thi công để đáp ứng được tiến độ theo hợp đồng BOT đã ký, không để một vài điểm làm ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành của dự án"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.
Công ty 194 cam kết tăng tốc bù tiến độ dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Ông Trần Lệnh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty 194, cho biết về tỉ lệ góp vốn chủ sở hữu của 194 đến nay đạt 100%. Về công tác tổ chức thi công, giai đoạn đầu triển khai thi công do ảnh hưởng dịch bệnh nên đơn vị gặp khó khăn trong huy động máy móc thiết bị và nhân sự đến hiện trường và một số đoạn có địa chất sai khác so với thiết kế kỹ thuật, phải thay đổi phương án thi công mất nhiều thời gian.
"Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã qua giai đoạn khó khăn, chúng tôi sẽ tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị và cam kết đẩy mạnh thi công để bù tiến độ, mục tiêu hoàn thành đảm bảo tiến độ chung của dự án"- ông Phú nói.
Tính đến ngày 27-2, lũy kế giải ngân vốn nhà đầu tư đạt khoảng 808/831 tỉ đồng, tương đương 97% tổng vốn chủ sở hữu. Giải ngân vốn vay đạt khoảng 795 tỉ đồng, giải ngân vốn từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là 632 tỉ đồng.
Về vốn ngân sách, lũy kế giải ngân là 1.338,9/4.199 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2022, do giải ngân vốn ngân sách nhà nước vượt tiến độ, doanh nghiệp dự án đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Ban Quản lý 85 đề nghị xem xét bổ sung 200 tỉ đồng vào kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 để dự án đảm bảo đủ nguồn vốn tiếp tục thi công đáp ứng tiến độ.
Trên tuyến có hạng mục hầm Núi Vung là hầm dài nhất cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021 với chiều dài khoảng 2,2 km. Tính đến ngày 26-2, hầm trái đã đào được khoảng 1.816 m dài, hầm phải đào được khoảng 1.550 m.
Theo kế hoạch, hầm Núi Vung sẽ được đào thông trong quý I-2023. Tuy nhiên, tiến độ đào hầm hiện đang bị ảnh hưởng do gặp địa chất yếu hơn so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đặc biệt là đoạn phía Nam hầm Núi Vung thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Tập đoàn Đèo Cả phải nghiên cứu thay đổi kết cấu chống đỡ cũng như giảm độ dài bước đào.
Đại diện nhà đầu tư cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm thống nhất thiết kế điều chỉnh trạm thu phí theo QĐ số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính thủ về thu phí không dừng. Có phương án đảm bảo việc thu phí cho các dự án PPP khi không bố trí trạm thu phí trên tuyến chính. Đồng thời thống nhất vị trí trạm dừng nghỉ và giao cho nhà đầu tư tổ chức thực hiện để kịp đưa vào khai thác đồng bộ với tuyến cao tốc.
Bình luận (0)