Hôm nay, 11-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 100 người. Phiên thảo luận tại tổ về dự thảo này dự kiến diễn ra cùng ngày.
93% là doanh nghiệp nhỏ
Chính phủ cho rằng tính đến cuối năm 2019, trong khoảng 760.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam, 93% là DN nhỏ. Tuy có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội, song nhóm DN này dễ bị tổn thương trước các biến động của nền kinh tế. Bởi vậy, cần thiết ban hành chính sách giảm thuế cho nhóm này. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, ngân sách nhà nước giảm thu 15.840 tỉ đồng. Nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN quy mô vừa, ngân sách giảm tới 22.440 tỉ đồng.
Đa số doanh nghiệp nhỏ mới khôi phục hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ nhiều hơn. Ảnh: MINH CHIẾN
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng việc hụt thu như trên không phải quá lớn nếu so với tổng thu ngân sách. Trong khi đó, hiệu quả mang lại cho DN là rất tốt. Ông đồng tình với đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN để DN hồi phục sau đại dịch.
Đồng quan điểm, ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đánh giá đây là giải pháp đúng hướng để hỗ trợ cho DN quy mô nhỏ sinh tồn trong biến cố đại dịch Covid-19.
Kỳ vọng giảm nhiều hơn
Tuy nhiên, chúng tôi nhận được không ít ý kiến của DN chưa đồng nhất với những nhận định trên.
Vừa có cuộc làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về tình hình khó khăn của DN trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, nguyên ĐBQH khóa XIII - cho rằng đại dịch đã để lại hậu quả nặng nề chưa từng có và cần những giải pháp đặc biệt, bên cạnh ưu đãi về thuế. Bởi theo ông, tuy đến nay hoạt động của DN đã dần khởi động lại nhưng vẫn chưa thể có lợi nhuận, nhất là lĩnh vực chế biến - kinh doanh lương thực, vận tải, du lịch, dịch vụ. Do vậy, việc giảm thuế thu nhập DN không có ý nghĩa với nhiều DN.
"Trong thời gian dịch bệnh, hoạt động vận tải giảm 50% nhưng vẫn phải nộp phí đường bộ. Hiện nay, hoạt động vận tải cơ bản trở lại bình thường nhưng doanh thu vẫn chưa đủ bù chi. Đối với DN sản xuất hàng may mặc, dệt sợi, men sứ, điện tử…, tình trạng ứ đọng hàng hóa vẫn tiếp diễn, việc nhập khẩu nguyên vật liệu còn khó khăn do các nước này vẫn đang áp dụng biện pháp chống dịch và thị trường bị phong tỏa bởi dịch bệnh" - ông Vẻ nêu thực trạng và cho rằng giảm 30% thuế thu nhập DN chưa đủ để tạo động lực cho DN hồi phục.
Ông Đỗ Văn Vẻ đề nghị đánh giá thêm hiệu quả của việc giảm thuế thu nhập DN được Chính phủ đề xuất thông qua thống kê cụ thể có bao nhiêu DN có lợi nhuận và được hưởng ưu đãi thuế trong tổng số DN nhỏ thuộc diện giảm thuế. Bên cạnh đó, ông nêu quan điểm cần giảm ít nhất 50% thuế thu nhập DN bởi DN hiện không chỉ chịu tác động xấu từ dịch Covid-19 mà đối mặt với khó khăn kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nói riêng và làn sóng bảo hộ trên thế giới nói chung.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, thuế suất thuế thu nhập DN của Việt Nam hiện nay là 20%, khá cao so với mức 10%-15% của các nước lân cận. Do vậy, dù giảm 30% thuế thu nhập DN thì thuế suất vẫn cao so với không ít nước, dẫn đến sức cạnh tranh của DN bị giảm sút. "Ngay khi chưa diễn ra dịch Covid-19, hiệp hội đã nhiều lần đề xuất giảm thuế thu nhập DN chung cho tất cả nhóm DN nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Chúng tôi thông cảm với Chính phủ và Quốc hội khi đứng trước bài toán cân đối nguồn thu ngân sách, điều hành ổn định vĩ mô nhưng chúng tôi vẫn hy vọng sắc thuế này có thể giảm thêm. Định hướng của Chính phủ là "nâng cấp" hộ kinh doanh cá thể lên DN nhưng nhiều hộ không muốn lên vì ngán thuế, phí. Nếu giảm thuế, họ có thể có động lực để phát triển lên DN" - ông Mạc Quốc Anh nêu ý kiến.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, thay mặt hiệp hội đề xuất miễn 100% thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2020 với DN có doanh thu không quá 2 tỉ đồng, giảm 70% đối với DN có doanh thu từ 2-3 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH không quá 10 người. Đồng thời, giảm 50% với DN có tổng doanh thu không quá 50 tỉ đồng và số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 100 người.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Lưu ý hỗ trợ đúng đối tượng, ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho rằng khi xét đến doanh thu, lợi nhuận của DN, cần đối chiếu với số liệu năm 2019 để hỗ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ông nêu quan điểm một số ngành nghề tìm thấy cơ hội rất tốt trong dịch, dù có quy mô nhỏ. Do vậy, đưa ra điều kiện DN đạt tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và sử dụng dưới 100 lao động là chưa đủ, bởi dễ rơi vào tình trạng hỗ trợ cho cả DN được hưởng lợi trong dịch mà bỏ qua DN khó khăn thật sự.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất cân đối ngân sách nhà nước để có thể kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập DN đến hết năm 2021. Đồng thời, phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác của Chính phủ để hỗ trợ thiết thực cho DN. "Các giải pháp hỗ trợ có đủ nhưng thực thi lại là chuyện khác. Thực thi chậm có thể bỏ lỡ cơ hội của DN, thậm chí ảnh hưởng đến vận mệnh bởi hỗ trợ đến tay sớm một ngày thì DN có thể sống, chậm một ngày là DN chết. Tiền bạc là quan trọng nhưng thời gian còn quan trọng hơn nên cần rốt ráo triển khai" - ông Lộc lưu ý.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết khi tiếp cận DN, ông tiếp nhận nhiều ý kiến đánh giá đây là chính sách tốt. Song, điều quan trọng để DN tồn tại, phát triển là tiếp cận các gói tín dụng. Tuy vậy, khó khăn với DN nhỏ và siêu nhỏ hiện nay là tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng đang thận trọng khi cho vay. Do đó, phải có tổ chức trung gian đứng ra bảo lãnh vốn cho DN.
Ông Đỗ Văn Vẻ góp ý nên mở rộng giảm các loại thuế, phí, lệ phí khác cũng như tăng ưu đãi tạm thời về đất đai để vực dậy khối DN nhỏ. "Bởi "một miếng khi đói bằng một gói khi no" nên cần chính sách đến được với DN thật nhanh, giảm bớt điều kiện phức tạp, khắt khe. Các giải pháp được thực hiện đồng bộ, tránh "chỏi" nhau, nếu cần thiết có thể chỉnh sửa gấp các văn bản pháp luật để việc triển khai gói hỗ trợ được nhanh nhất. DN tiếp cận được ưu đãi đúng vào lúc họ cần nhất thì mới có ý nghĩa" - ông Vẻ nói thêm.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới hết năm 2025
Chiều 10-6, với 94,41% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới hết năm 2025. Việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 là nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với định hướng của Đảng và nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
M.Chiến
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:
Trong cơn đại dịch Covid-19, nhiều DN không có doanh thu trong nhiều tháng liên tiếp nhưng phải chi trả các chi phí hoạt động. Đến nay, không ít DN vẫn duy trì được sản xuất - kinh doanh là đáng mừng. Tôi nghĩ việc giảm 30%, 50% hay 100% thuế thu nhập trong năm 2020 sẽ không hiệu quả. Bởi lẽ, để được giảm thuế thu nhập, DN phải có lợi nhuận. Thế nhưng, nhiều năm trước, tuy hoạt động sản xuất - kinh doanh khá suôn sẻ nhưng trên địa bàn TP HCM, chỉ có khoảng 30% DN nhỏ kinh doanh có lãi. Năm 2020, DN bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh thì có bao nhiêu phần trăm DN kinh doanh có lãi để được giảm thuế thu nhập?
Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, nhà nước có thể giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống còn 5% sẽ hiệu quả hơn. Bởi vì, khi thuế GTGT giảm, DN có thêm dòng tiền để kinh doanh, giá hàng hóa sẽ đi xuống, người tiêu dùng tăng sức mua, từ đó DN mới phát triển được.
Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ):
Giảm thuế thu nhập DN là tốt bởi giảm được phần nào, DN sẽ bớt gánh nặng phần đó. Nhưng DN cũng cần được hỗ trợ miễn giảm nhiều khoản chi phí khác trực tiếp, thiết thực hơn trong giai đoạn dịch Covid-19. Bởi thực tế thuế thu nhập DN chỉ áp dụng đối với những DN có lãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo tôi, những DN có lãi, được hỗ trợ giảm thuế là tốt nhưng các DN đang tồn tại và chưa phát sinh lãi lúc này càng cần được hỗ trợ nhiều hơn. DN cần hỗ trợ những biện pháp để có lãi trong sản xuất, kinh doanh thông qua giãn chi phí đầu vào, hỗ trợ cho người lao động.
Như với PNJ, chúng tôi có số lượng lao động rất lớn nên mong được hỗ trợ về chính sách liên quan BHXH vì dưới tác động của dịch bệnh, DN vẫn phải tốn nhiều chi phí trả cho người lao động trong khi doanh thu lại giảm.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế TP HCM:
Giảm thuế thu nhập DN sẽ tác động rất lớn đến tinh thần vượt khó của DN khi họ có thể dùng số tiền này để tiếp tục phát triển kinh doanh. Mặt khác, khi thuế thu nhập giảm, tình trạng gian lận về thuế có thể giảm theo, giúp cho nguồn thu ngân sách bớt hao hụt.
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong năm 2020, DN có lợi nhuận chủ yếu là các đơn vị thuộc lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử... Trong khi đó, nhóm DN thuộc lĩnh vực này đa phần không thuộc diện quy mô nhỏ nên thực chất, số lượng DN được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập không nhiều.
Để mạnh tay hỗ trợ DN trên diện rộng, giảm thuế GTGT là giải pháp tốt hơn bởi sẽ hài hòa lợi ích cho cả DN và nhà nước. Khi giảm thuế này, DN tiêu thụ được nhiều sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận, từ đó tăng đóng thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân để bù đắp lại sụt giảm từ thuế GTGT.
Th.Thơ - T.Phương ghi
Bình luận (0)