Chiều 3-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã gặp gỡ đại diện doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn TP.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết gần đây, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đã giải quyết một phần tồn đọng trong thời gian trước. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nhân vẫn chưa thể yên tâm làm ăn vì cơ quan nhà nước chưa đồng hành cùng DN. Tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” vẫn chưa được cải thiện, nghị quyết triển khai chậm nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ doanh nghiệp tại TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCX-KCN, cho rằng cần rút ngắn con đường từ lời nói tới hành động. Trong lúc này, điều cần nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, chủ trương nhà nước rõ ràng, nhất quán và tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN. Hai năm qua, cải cách thủ tục hành chính quá chậm, vẫn còn rất nhiều văn bản làm khó DN. “Một luật có hàng chục văn bản hướng dẫn, bẻ lái theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý, thiệt hại cho DN” - ông Bé bức xúc.
Ông Đỗ Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), cho hay DN đang bị kiểm tra tràn lan. DN nào không “biết điều” càng bị kiểm tra nhiều hơn.
Đại diện một DN Nhật ở Khu Công nghệ cao TP HCM phản ánh mất quá nhiều thời gian cho thủ tục đầu tư, mở rộng nhà xưởng. Theo vị đại diện này, trước đây, đầu tư vào Khu Công nghệ cao chỉ cần qua một cửa là ban quản lý. Thế nhưng, từ khi Luật Đầu tư mới có hiệu lực, muốn đầu tư mới hay mở rộng nhà xưởng sản xuất, DN phải có giấy phép của hàng loạt cơ quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, phòng cháy chữa cháy… Có khi, DN phải mất đến 6 tháng mới gom đủ giấy phép.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thẳng thắn thừa nhận môi trường đầu tư, kinh doanh hiện vẫn chưa thực sự thuận lợi cho DN ra đời và phát triển. DN trên địa bàn TP HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đa phần là quy mô nhỏ, vốn ít, sử dụng lao động giản đơn, khó tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường. Khả năng kết nối của DN vừa và nhỏ với DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế.
Chủ tịch UBND TP HCM tái cam kết tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để DN phát triển bình đẳng, bền vững và cạnh tranh lành mạnh.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các DN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo TP HCM quan tâm giải quyết những kiến nghị thuộc thẩm quyền. Với những kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành, Chủ tịch nước cho biết sẽ chỉ đạo sớm giải quyết và thông báo cho DN biết.
Chủ tịch nước mong muốn cộng đồng DN, doanh nhân TP HCM luôn đóng vai trò tiên phong, là hạt nhân phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp trong nước duy trì tỉ lệ đóng góp cao
TP HCM hiện có 287.200 DN đăng ký hoạt động và DN trong nước vẫn duy trì tỉ lệ đóng góp cao. Riêng năm 2015, DN trong nước đã đóng góp 59,5% GDP của TP HCM và 12,5% thu ngân sách. Chín tháng đầu năm 2016, khối DN này đóng góp 14,79% thu ngân sách.
Bình luận (0)