Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng giảm 0,9%; tính trong 4 tháng đã tăng trở lại, với mức tăng 1,4%, 5 tháng tăng 1,6% và 6 tháng ước tăng 1,9%.
Sản lượng công nghiệp 6 tháng ước tăng 4,49% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm gồm: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược - cao su tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành.
Song song với tín hiệu tích cực ở mảng sản xuất, mảng thương mại cũng ghi nhận xu hướng phục hồi. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 555.668 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. "Với các chính sách hỗ trợ của thành phố, cùng cơ chế thu hút đầu tư cởi mở và điều hành linh hoạt, các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã nhanh chóng ổn định và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết.
Tuy vậy, kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) vừa thực hiện trong tháng 6 lại ghi nhận tình hình kém khả quan hơn. Có đến 30%-50% DN được khảo sát cho biết đang thiếu đơn hàng mới, tùy theo ngành nghề. Phân loại theo ngành: ngành da giày, may mặc có doanh thu giảm 30% - 50%; sản xuất, kinh doanh ngành gỗ giảm 30,9%; ngành cao su - nhựa giảm doanh thu 20%; ngành thép có doanh số giảm 40%-50%. Sức mua thị trường nội địa sụt giảm 10%- 20% do tiêu dùng giảm.
Nhiều DN đang thiếu vốn trong khi không hấp thu được các gói hỗ trợ từ Chính phủ, gặp vướng mắc về thủ tục hành chính... Theo HUBA, các DN mong Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ thực thi các gói hỗ trợ phù hợp và có tác dụng trong thực tiễn hơn nữa. Cùng với đó là hy vọng vào các chính sách kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ DN tìm kiếm đơn hàng, phát triển thêm thị trường mới.
Bình luận (0)