Cùng với bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức), các ông Đỗ Quang Hiển, Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Đức Thụy… là những ông bầu có tiếng trong làng bóng đá Việt Nam.
Nguồn lực chính giúp các ông bầu này xây dựng và làm bóng đá chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sở hữu. Trong năm 2017, doanh nghiệp của các ông bầu này đều đón nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Bầu Đức và HAGL bắt đầu có lãi
Sau năm 2016 chìm trong thua lỗ, bầu Đức cùng CTCP Hoàng Anh Gia Lai -HAGL (HAG) đã có một năm 2017 tương đối thuận lợi khi doanh nghiệp bắt đầu có lãi trở lại. Nhiều mảng kinh doanh được tái cơ cấu, các khoản nợ cũng giảm dần.
Bầu Đức chính là người đã đưa huấn luyện viên người Hàn Park Hang Seo về Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đăng.
Doanh nghiệp chủ đạo của bầu Đức chính là HAGL Group, trọng tâm kinh doanh là mảng nông nghiệp, thông qua CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico.
Năm 2017, HAGL ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% so với năm 2016, chỉ đạt 4.895 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh 49% đã giúp lợi nhuận gộp công ty thu về đạt 1.850 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước. Cơ cấu doanh thu của HAGL cũng đã chuyển hẳn sang mảng chính là trái cây, thay vì thu từ bò như những năm trước.
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, HAGL cũng chuyển nhượng hàng loạt khoản đầu tư tại nhiều mảng kinh doanh như mía đường, bất động sản, cổ phiếu… Điều này giúp công ty thu về tới 1.608 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 68%.
Việc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, cơ cấu nợ vay giúp HAGL giảm bớt áp lực trả nợ nhưng vẫn buộc doanh nghiệp này phải chi hàng chục tỷ đồng để trả lãi. Năm qua, HAGL đã chi hơn 1.451 tỷ đồng chỉ để trả lãi vay.
Tuy nhiên, doanh nghiệp của ông bầu phố núi vừa báo lãi ròng 1.032 tỷ đồng trong năm 2017, trong khi năm trước đó, công ty lỗ tới 2.182 tỷ đồng.
HAGL cũng đã quyết định rót vốn trở lại mảng kinh doanh thủy điện sau 4 năm không tham gia vào dự án nào. Cụ thể, công ty đã chi ra gần 50 tỷ đồng để góp vốn thành lập Công ty thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn cùng các đối tác để phát triển các dự án thủy điện trong và ngoài nước.
Tập đoàn T&T của bầu Hiển và “quả ngọt” Quang Hải
Cùng thủ môn Bùi Tiến Dũng, Quang Hải là cái tên sáng trong thành công của đội tuyển U23 Việt Nam vừa qua. Cầu thủ gốc Hà Nội trưởng thành từ lò đào tạo của CLB bóng đá Hà Nội, và đang thi đấu cho đội bóng thủ đô, nơi bầu Hiển là Chủ tịch.
Nắm trong tay hàng loạt doanh nghiệp nhưng nổi bật nhất trong hệ sinh thái của bầu Hiển chính là Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T.
Ông Đỗ Quang Hiển đang là Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng SHB. Ảnh: Hoàng Hà.
Cùng với sự khởi sắc của ngành ngân hàng năm qua, SHB - ngân hàng bầu Hiển là cổ đông lớn nhất thông qua Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch, đã thu về khoản lãi thuần tăng tới 18%, đạt hơn 4.964 tỷ đồng.
Tín dụng tăng khiến nợ xấu tăng lên nhưng SHB cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên mức 2.035 tỷ đồng (năm 2016 số tiền trích lập là 1.323 tỷ đồng). Dù vậy, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, đầu tư… năm qua đều tăng trưởng, giúp SHB thu về tới 1.550 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 65% và cao nhất trong 5 năm qua.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), nơi ông Hiển là Chủ tịch, cũng có một năm thành công khi doanh thu tăng gần gấp đôi, đạt 1.090 tỷ đồng và thu về khoản lãi trước thuế tăng gấp 5 lần năm 2016, đạt trên 450 tỷ đồng.
Bầu Thắng và Kienlongbank
Giống bầu Hiển, bầu Thắng (ông Võ Quốc Thắng) cũng là một trong những ông bầu năng nổ trong làng bóng đá Việt Nam.
Tuy đã tuyên bố không tham gia vào điều hành đội bóng nào, ông Thắng vẫn đóng góp cho nền bóng đá Việt Nam với vai trò là Chủ tịch HĐQT CTCP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các giải đấu cao nhất trong hệ thống bóng đá Việt Nam.
Ông Thắng hiện là Chủ tịch Kienlongbank, đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại CTCP Đồng Tâm, doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất gạch.
Bầu Thắng (bên trái) vừa thôi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT VPF cuối năm 2017. Ảnh: VPF.
Trong hệ thống, Kienlongbank chỉ là ngân hàng cỡ nhỏ với tổng tài sản trên 37.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm qua, ngân hàng này cũng ghi nhận khoản lãi ròng tăng mạnh, đạt gần 208 tỷ đồng.
Năm 2017, Kienlongbank thu về hơn 1.046 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng hơn 33% so với năm trước. Khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 28% xuống còn 65 tỷ đồng giúp ngân hàng thu về gần 260 tỷ đồng lãi trước thuế. Sau khi trừ thuế và các chi phí khác, Kienlongbank thu về ròng 207 tỷ đồng tiền lãi, tăng hơn 71% so với năm trước.
CTCP Đồng Tâm của ông bầu này nhiều năm qua cũng đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm gần nhất công ty công bố báo cáo tài chính là quý II/2017, với lãi gần 39 tỷ đồng. Năm 2016, doanh nghiệp sản xuất gạch này đã thu về 133 tỷ đồng và năm 2015 cũng thu về tới 279 tỷ đồng.
Bình luận (0)