Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153 và Nghị định số 65).
Tờ trình được Bộ Tài chính gửi Chính phủ sau khi đã lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan và có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Theo dự thảo Nghị định, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 23 Điều 1 Nghị định số 65 về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác.
Dẫn quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 286) và quy định của pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính cho biết doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác.
Khó khăn trên thị trường bất động sản ảnh hưởng đến nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp
Việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở các cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra đối với từng đối tượng nhà đầu tư.
Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính ngày 23-11-2022, một số doanh nghiệp phát hành và thành viên thị trường đề nghị quy định cụ thể về việc chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác tại dự thảo Nghị định để có cơ sở thực hiện và giải trình với cơ quan thanh, kiểm tra.
Do đó, tại dự thảo Nghị định lấy ý kiến các Bộ, ngành và lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã đề xuất quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan trên cơ sở đàm phán với từng nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cho biết một số bộ ngành và các chuyên gia có ý kiến nhất trí với chính sách này. Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị bỏ quy định về chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay; làm rõ điều kiện được chuyển thành khoản vay, trách nhiệm của đơn vị tư vấn, doanh nghiệp phát hành và trách nhiệm của cơ quan quản lý khi chuyển thành khoản vay.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, một số chuyên gia và bộ, ngành có ý kiến quy định này có thể tạo thành tiền lệ cho việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu sau đó chuyển thành khoản vay để tránh quy định của pháp luật về công bố thông tin, hạn chế chuyển nhượng và quản lý giám sát, theo đó có thể biến tướng thành hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường.
Thẩm định về đề xuất nêu trên, Bộ Tư pháp nêu rõ quy định chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác là không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các quy định về hợp đồng vay tài sản của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, việc chuyển thành khoản vay cần được cân nhắc kỹ do nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, có thể sẽ bất lợi trong quá trình đàm phán. Cũng theo Bộ Tư pháp, hợp đồng vay dân sự thông thường không phải tuân thủ các điều kiện ràng buộc theo pháp luật chứng khoán và có thể tiếp tục bán cho bên khác theo pháp luật dân sự mà không có quy định về điều kiện nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; việc cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã hỗ trợ doanh nghiệp chưa phải thanh toán ngay nghĩa vụ.
Bộ Tư pháp lưu ý việc sửa đổi, bổ sung quy định chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, nếu không được sửa kịp thời sẽ có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản, sự an toàn, lành mạnh và bền vững của thị trường.
Tại tờ trình, Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo của các tổ chức phát hành cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và trên cơ sở kết quả làm việc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với một số doanh nghiệp phát hành trong 2 tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt thuộc nhóm bất động sản chưa chuẩn bị được kế hoạch thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023.
Việc chưa chuẩn bị được kế hoạch thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn chủ yếu do thị trường bất động sản diễn biến tiêu cực, các dự án gặp khó khăn về thủ tục nên không thể triển khai bán hàng, nguồn cung ứng tín dụng bị thắt chặt đối với cả chủ đầu tư và khách hàng.
"Đến tháng 1-2023, có doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần như Công ty Cổ phần Tập đoàn Alpha Seven, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản, như Tập đoàn Novaland"- tờ trình của Bộ Tài chính cho hay.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, các chuyên gia và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, để doanh nghiệp phát hành có cơ sở thanh toán trái phiếu bằng các tài sản khác của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bên thứ ba trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn cân đối dòng tiền để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.
Việc thanh toán phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn theo phương án phát hành. Đồng thời, doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Bộ Tài chính cho rằng quy định nêu trên phù hợp với quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định của pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tế triển khai trên thị trường TPDN thời gian gần đây khi đã có trường hợp doanh nghiệp đàm phán để thanh toán trái phiếu bằng cổ phần, sản phẩm bất động sản.
Đồng thời, tại dự thảo Nghị định đã tiếp thu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp, không quy định về việc chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay.
Bình luận (0)