xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp dệt may “ngồi trên lửa”

THÁI PHƯƠNG

Các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may dồn dập đổ vào Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp nội sợ bị mất thị phần ngay trên sân nhà

Mười tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may tiếp tục đạt con số ấn tượng 17,62 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2013. Theo Bộ Công Thương, với đà tăng trưởng xuất khẩu này, dự kiến năm 2014, ngành dệt may có thể đạt 24,5-25 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, vượt 0,5-1 tỉ USD so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hơn 60% trong số này là của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỉ lệ này sẽ còn cao hơn khi hàng loạt dự án đang được cấp phép đầu tư gần đây.

Doanh nghiệp Trung Quốc  mạnh tay rót vốn

Đầu tháng 10-2014, nhà máy của Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile Limited đã được khởi công xây dựng tại tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư 120 triệu USD. Dự án do Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông - Trung Quốc) và Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Hương hợp tác liên doanh. Nhà máy chuyên về dệt may này dự kiến cung cấp cho thị trường cả vải dệt, sợi các loại và sản phẩm may mặc xuất khẩu.

Tại KCN Đông Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan - Trung Quốc) cũng triển khai dự án dệt vải, may xuất khẩu trị giá 50 triệu USD. Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn may Shenzhou International (Trung Quốc) đã lập Công ty TNHH Worldon Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc cao cấp với vốn đầu tư 140 triệu USD.

 

Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Sợi Thế Kỷ (huyện Củ Chi, TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH
Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Sợi Thế Kỷ (huyện Củ Chi, TP HCM)Ảnh: TẤN THẠNH

 

Ở khu vực phía Bắc, DN nước ngoài cũng không ngừng xin cấp phép đầu tư. Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) cũng vừa được chấp thuận xây dựng nhà máy 68 triệu USD tại Nam Định. Tập đoàn TAL (Hồng Kông - Trung Quốc) vừa được tỉnh Hải Dương duyệt dự án nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc ở KCN Đại An với tổng mức đầu tư 600 triệu USD. TAL đã vào Việt Nam từ năm 2004 với nhà máy tại Thái Bình và xuất khẩu nhiều sản phẩm qua Mỹ.

Năm ngoái, hàng loạt công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may đến từ Trung Quốc, Nhật… cũng triển khai các dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may ở các địa phương của Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas, cho rằng làn sóng DN đổ dồn sang Việt Nam xây dựng nhà máy dệt, nhuộm và cả nhà máy may nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam…

Hơn nữa, giá nhân công ở Trung Quốc ngày một tăng và cao hơn nhiều so với nhân công Việt Nam cũng góp phần khiến DN FDI mạnh tay rót vốn đầu tư. Phải nói thêm, Trung Quốc không phải thành viên tham gia đàm phán TPP nên sẽ nằm ngoài cuộc chơi này. Khi đó, để tận dụng được lợi thế và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường thành viên TPP, DN Trung Quốc sẽ lựa chọn dời nhà máy đầu tư sang Việt Nam.

Không thể phủ nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ của vốn ngoại vào Việt Nam cho thấy dệt may ngày càng khẳng định tầm quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là khi kim ngạch xuất khẩu vượt cả điện thoại di động, dẫn đầu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Vốn FDI thu hút được nhiều sẽ tạo thêm công ăn việc làm, nhà nước thu nhiều thuế và những lĩnh vực lâu nay các DN nội địa không đầu tư, xây dựng được như dệt, nhuộm sẽ được DN nước ngoài có vốn, kỹ thuật và tiềm lực công nghệ bù đắp…

Nguy cơ mất cả thị trường nội địa

Nhưng khi được hỏi về làn sóng vốn ngoại đổ vào dệt may, nhiều DN trong nước lại tỏ ra lo lắng. “Có dấu hiệu nhà đầu tư Trung Quốc kéo luôn nhà máy may kết hợp với nhà máy dệt, nhuộm. DN trong nước sẽ bị đứng ngoài. Hiệp hội cũng lo lắng và đã kiến nghị lên Chính phủ chỉ nên khuyến khích đầu tư lĩnh vực dệt, nhuộm; còn may thì DN nội đủ sức làm” - ông Phạm Xuân Hồng nói.

DN FDI đầu tư vào khâu dệt nhuộm và cung cấp cho DN nội địa sẽ giúp ngành dệt may trong nước tận dụng được lợi thế khi xuất khẩu hàng vào các nước thành viên TPP. “Nhưng nếu họ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất vải chỉ để phục vụ cho nhà máy may của họ, rồi quay sang cạnh tranh với chính DN trong nước về giá cả, đơn hàng xuất khẩu thì DN Việt sẽ chầu rìa” - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn Lê Quang Hùng nhìn nhận.

DN dệt may trong nước vốn bị hạn chế về công nghệ, vốn nên dồn sức đầu tư để tận dụng được lợi thế từ TPP, các FTA không phải chuyện dễ. “DN FDI có vốn lớn, công nghệ mạnh nên đầu tư những dây chuyền sản xuất 100-200 triệu USD, thậm chí 300 triệu USD, trong khi DN nội quá yếu về vốn. Nếu DN Việt cũng có vốn, công nghệ và thị trường có sẵn, chắc chắn sẽ cạnh tranh được với nước ngoài” - ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, nhận xét.

Dù vậy, nhiều DN Việt cũng đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để củng cố vị thế của mình. Vấn đề quan trọng là cần nâng cao năng suất lao động nhằm góp phần tiết giảm chi phí, chủ động xúc tiến đơn hàng. Ông Lê Quang Hùng cho biết một chi nhánh công ty con của Garmex đã được thành lập vào tháng 8-2013 tại Mỹ nhằm chủ động tìm kiếm đơn hàng để sản xuất, thực hiện chiến lược bán hàng trực tiếp cho khách hàng Mỹ theo phương thức ODM (thiết kế thành phẩm để bán cho khách hàng). Hơn 1 năm  qua, công ty con đã sản xuất đơn hàng khoảng 3 triệu USD, đem lại lợi nhuận khoảng 220.000 USD cho Garmex. Con số này không lớn nhưng là bước đầu để DN lấy được đơn hàng trực tiếp với giá tốt nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn. 

 

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas:

Chống chuyển giá của DN FDI

DN trong nước chưa đủ sức để tự đầu tư xây dựng vùng nguyên phụ liệu nên cần nhà đầu tư nước ngoài nhưng bản thân nhà nước và DN Việt cần tạo điều kiện cho mình lớn lên, nếu không sẽ bị lệ thuộc lâu dài.

 

img

 

Lúc này, các DN nội cần liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm để lớn lên, khai thác thế mạnh của mình. Nếu không, ngay cả khi TPP được ký kết, chúng ta cũng không tận dụng được gì vì không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ và “nhường” thị phần cho nước ngoài. Vitas kiến nghị cơ quan nhà nước cần quản lý chặt việc chuyển giá của DN FDI để chống thất thu thuế cho nhà nước.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi:

Đường nào cũng khó

Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này, nhiều DN Việt vẫn đang đau đầu với bài toán có nên đầu tư vào dệt nhuộm để xây dựng vùng nguyên liệu của riêng mình không. Việc đầu tư một nhà máy dệt, nhuộm tốn kém hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng khi sản xuất ra sản phẩm (vải các loại) có cạnh tranh được về mẫu mã, giá cả với hàng nhập khẩu hoặc sản phẩm của chính DN FDI?

 

img

 

Nếu không đầu tư thì sợ theo không kịp, mà đầu tư rồi e không cạnh tranh được, bị chôn vốn lại không có đầu ra. Đến lúc đó, chỉ sợ cái gì đáng lẽ khi vào TPP DN nội được hưởng thì nay lại thuộc về nước ngoài.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú:

Đầu tư bài bản nên có lợi thế!

DN đang có nhiều mặt hàng lợi thế như vải dệt kim, vải demin và khăn bông được đầu tư bài bản thành chuỗi khép kín từ khâu sợi - dệt - nhuộm - may thành phẩm nên có lợi thế và có thể cạnh tranh được khi tham gia các FTA, nhất là TPP.

 

img

 

Từ lâu, chúng tôi đã không phải nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, không bị lệ thuộc vào bên ngoài do đầu tư dây chuyền khép kín. Thời gian tới, Phong Phú sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội bộ và bán cho thị trường nội địa.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế:

Phải phát triển công nghệ mới

Hiện Việt Nam được cho là có lợi thế về dệt may nhưng không biết ngành có sẵn sàng cho bối cảnh công nghệ mới thay vì bằng nhân công? Trong vòng 15 năm tới, khi công nghệ phát triển và có thể người ta chỉ dán áo chứ không may nữa, lúc đó nhân công Việt sẽ làm thế nào?

 

img

 

Thực tế, một số DN của Mỹ đã chuyển nhà máy may từ Trung Quốc về bởi họ đã có công nghệ mới và không cần tận dụng nhân công giá rẻ. Nếu bối cảnh này xảy ra với Việt Nam thì chúng ta đã nghĩ đến hay chưa?

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo