Ngày 17-5, tại Hà Nội, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức hội thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Giá xăng dầu Việt Nam chưa vận hành đúng quy luật thị trường. Ảnh: HỒNG THÚY
Muốn điều chỉnh giá theo nhịp 10 ngày
Các doanh nghiệp (DN) không mặn mà với phương án áp mức trần bán lẻ xăng dầu theo tháng hay theo năm mà Bộ Công Thương đưa ra vì có thể làm nảy sinh tình trạng tách biệt so với thị trường thế giới; giá trong nước có thể chậm nhịp so với giá xăng dầu nước ngoài, thậm chí có thể gây hiện tượng đầu cơ khi có thời điểm giá tăng tới cả chục USD/thùng trong 1 tuần. Hầu hết DN đề xuất điều chỉnh giá mặt hàng này theo nhịp 10 ngày.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng chu kỳ 15 ngày nhằm làm giảm mức độ biến động giá trong nước bởi trong điều kiện giá thế giới tăng liên tục thì biên độ tăng trong nước sẽ cao, nếu công cụ bình ổn không tốt sẽ có sốc về giá, ảnh hưởng không chỉ DN mà toàn xã hội. Đại diện tổ soạn thảo cũng cho biết đây mới là dự kiến đưa ra để bàn luận, có thể 10 hay 15 ngày hoặc phương án khác.
Tự tăng giá ở mức 3%
Đại diện Hiệp Hội Xăng dầu Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ, đề xuất thay vì 5%, dự thảo có thể quy định khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở biến động tăng khoảng 3% thì DN được quyền chủ động tăng giá. Ngoài ra, nếu các yếu tố trên tăng từ 3% đến 7% so với giá bán lẻ thì DN được quyền cộng thêm 60% phần tăng giá đó, 40% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo quy định.
Định lại vai trò quỹ bình ổn Về quỹ bình ổn xăng dầu, ông Võ Văn Quyền cho biết quỹ này hiện đã được kiểm toán Nhà nước kiểm tra và có kết luận việc sử dụng quỹ của DN là đúng luật. Theo ông Quyền, thực tế là trong nhiều trường hợp giá thế giới tăng cao, quỹ đã giúp giá bán lẻ bớt chao đảo. Tuy nhiên, có sự bất cập trong việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ.
Cụ thể, việc trích lập quỹ thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý, không làm rõ nguyên tắc quản lý quỹ và việc sử dụng quỹ không minh bạch, không đúng thời điểm, quá lạm dụng quỹ để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không cần thiết… Mặt khác, sẽ quản lý nguồn tiền này hiệu quả hơn nếu lập riêng một tài khoản cho quỹ bình ổn ở các DN và chỉ sử dụng khi có sự cho phép của cơ quan quản lý.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, quỹ bình ổn có ý nghĩa trong việc bình ổn giá thành nhưng hiện nay nhiều DN âm quỹ bình ổn, điều đó cho thấy thời gian qua có vấn đề trong sử dụng quỹ bình ổn mà nguyên nhân là do không làm đúng theo Nghị định 84. Ban đầu, khi đề xuất lập quỹ thì quỹ bình ổn là quỹ của DN, sau này quy định là của dân thì “nguy hiểm” và không có chuyện DN đi giữ tiền của dân!
“Chúng ta không nên gọi là quỹ bình ổn mà lấy tên theo những định chế về tài chính, có thể gọi là quỹ dự phòng dao động lớn. Đó là quỹ của DN, bắt buộc DN phải hình thành và vận hành theo đúng công thức” - ông Bảo nói. |
Bình luận (0)