Sáng nay 2-5, tại phiên hiến kế về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đề cập đến chính sách visa (thị thực) đang là rào cản lớn đối với thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.
Tham gia phiên thảo luận, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist, đề xuất cơ quan quản lý xem xét miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, miễn 5-10 năm đối với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên. Sở dĩ đưa ra đề xuất này, ông Sơn cho biết thực tế thủ tục cấp thị thực của chúng ta khiến những người xin cảm thấy không được chào đón.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Sang Trọng, nhấn mạnh một trong những nút thắt của du lịch Việt Nam hiện nay là vấn đề visa. Theo ông Hà, chúng ta đang gặp vấn đề lớn về chính sách visa nên tạo ra những rào cản lớn đối với ngành du lịch, như Indonesia đã bỏ visa đối với 169 nước. Từ thực tế này, ông Hà kiến nghị bỏ visa càng nhiều nước thì sẽ càng thuận lợi.
Đại diện doanh nghiệp nêu các bất cập về chính sách visa
Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ visa cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được. Ông Kỳ đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt như Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam, Mỹ đặt giới hạn về visa. Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa.
Trong sáng nay, sẽ có 6 phiên thảo luận về các chủ đề lớn như Du lịch, Nông nghiệp, Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Kinh tế số, Khơi thông nguồn vồn trung và dài hạn...
Các nội dung trong 6 phiên chuyên đề này sẽ được tổng hợp, đưa ra báo cáo tại phiên toàn thể vào chiều cùng ngày với sụ đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
"Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, SEA Games, Festival Huế, Vesak" - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.
Trước các kiến nghị của DN, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), cho biết Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho 13 nước từ năm 2004. Từ tháng 2-2017, Chính phủ cấp thị thực điện tử cho công dân trên 80 nước, với thủ tục thuận lợi.
"Qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, tỉ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực" - bà Lan dẫn chứng.
Từ đó, bà Nguyễn Phương Lan cho rằng việc miễn thị thực phải song hành với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch thì mới thu hút được khách quốc tế. Bởi vậy, bà Lan một lần nữa khẳng định việc xếp hạng thị thực Việt Nam không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh du lịch.
Bà Nguyễn Phương Lan dẫn chứng báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy thị thực chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh của một nước. Một số quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Mỹ có năng lực cạnh tranh về du lịch xếp hạng cao dù chính sách miễn thị thực không quá mở.
Tại phiên hiến kế về tài chính - tín dụng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhằm đưa kinh tế tư nhân thành động lực phát triển kinh tế thị trường, nhà nước cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát triển đa dạng các định chế tài chính.
Tuy nhiên ông Nghĩa cũng chỉ rõ, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. "Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn"- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phiên hiến kế về tài chính - tín dụng đưa ra các giải pháp khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết các DN, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận được vốn tín dụng dễ dàng với lãi suất hợp lý.
Ngành ngân hàng đã ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có DN tư nhân; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay.
"Đáng chú ý, cải cách quy trình và thủ tục hành chính trong cho vay nhằm giảm bớt phiền hà cho khách hàng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về cấp tín dụng"- ông Tú nói.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cũng đánh giá thị trường vốn còn mất cân đối, kênh vốn chủ yếu dựa vào ngân hàng. "Đặc biệt, đâu đó còn có sự chưa bình đẳng giữa các khối DN với nhau khi tiếp cận nguồn vốn"- ông Lực nêu rõ.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, thị trường vốn của chúng ta còn thiếu bền vững, quy trình thủ tục vô cùng phức tạp gây khó khăn cho cộng đồng DN. Bên cạnh dó, các sản phẩm dịch vụ, các định chế tài chính tham gia cũng chưa đa dạng.
Bình luận (0)