Thức ăn nuôi tôm đang lệ thuộc gần như hoàn toàn vào các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Ngọc Trinh
“Thống lĩnh” thức ăn, con giống...
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết thức ăn nuôi tôm đã gần như hoàn toàn thuộc về DN FDI. Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực này là CP Việt Nam (Thái Lan), Uni-President Việt Nam (Đài Loan), Tomboy (Pháp)… “Tôm là thế mạnh bậc nhất trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Diện tích nuôi tôm ngày càng mở rộng, nhu cầu thức ăn cho tôm ngày càng lớn nhưng DN trong nước không thể chen chân vào được” - ông Bình lo lắng.
DN FDI còn đang lấn lướt DN trong nước trong việc sản xuất, cung cấp con giống, như giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hằng năm, DN FDI cung cấp hàng tỉ con tôm giống cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thuốc thú y Minh Dũng, cho biết: “Thị trường thuốc thú y, thuốc thủy sản cũng đang rơi vào tay DN FDI, họ đã chiếm hơn 90% thị phần”. Trong khi đó, nhiều DN FDI có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất thuốc thủy sản ở Việt Nam.
Tiếp tục mở rộng quy mô
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam (CP Việt Nam, vốn đầu tư của Thái Lan), cho biết tuy doanh thu của CP Việt Nam tăng hằng năm, riêng năm 2010 doanh thu lên đến 1,1 tỉ USD nhưng vẫn không đủ tài chính để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Theo kế hoạch, mỗi năm, CP Việt Nam cho ra đời 1 - 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (chưa kể những nhà máy chế biến hàng xuất khẩu). CP Việt Nam không chỉ cung cấp tôm giống, thức ăn cho tôm ở thị trường trong nước mà còn chuẩn bị lấn sang lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu để khép kín từ cung ứng đến tiêu thụ, bằng việc sắp đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tôm tại Huế với công suất khá lớn.
Tổng giám đốc CP Việt Nam còn tiết lộ sắp tới, DN này sẽ đầu tư sản xuất cá tra giống và nhiều loại thuốc cho nuôi trồng thủy sản. CP Việt Nam cũng sẽ đưa mô hình gia công vào nuôi cá tra với nông dân trong thời gian tới và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại Bến Tre...
Đại diện Công ty TNHH Uni-President Việt Nam cho hay hiện DN này có 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với sản lượng 300.000 tấn/năm. Trong đó, thức ăn dành cho tôm chiếm 30% - 35% thị phần, thức ăn dành cho cá da trơn chiếm gần 10% thị trường trong nước. Chưa hết, DN này đang đầu tư 20 triệu USD để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất thức ăn cho thủy sản tại Quảng Nam, công suất 100.000 tấn/năm. Ở thị trường con giống, Uni-President Việt Nam đang có một nhà máy sản xuất từ 1 đến 2 tỉ con tôm giống/năm và đang xây dựng thêm một nhà máy tại Quảng Trị, công suất khoảng 1 tỉ con mỗi năm...
Theo đại diện Công ty CP Green Feed Việt Nam, DN này có tốc độ phát triển rất nhanh, vào năm 2006- 2007, vốn đầu tư mới chỉ khoảng 25 triệu USD thì nay đã tăng lên 80 triệu USD. Hiện Green Feed Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản lượng 14 triệu tấn/năm (trong đó có 2 triệu tấn thức ăn dành cho nuôi trồng thủy sản). Không dừng lại ở sản xuất thức ăn, Green Feed Việt Nam đang đầu tư mạnh vào sản xuất con giống thủy sản chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Bị làm giá Tại Cà Mau và Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn nuôi tôm của DN FDI hoặc nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Nhiều người nuôi tôm cho biết với mức tăng này, chi phí nuôi tôm bị đội lên rất cao nhưng họ vẫn không muốn lựa chọn sản phẩm nội địa có giá thấp hơn. Ông Ngô Minh Nguyên, người nuôi tôm ở xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai - Bạc Liêu, cho biết: “Tôi không đánh giá thấp thức ăn nuôi tôm thương hiệu Việt. Tuy nhiên, đã nhiều năm sử dụng các sản phẩm nhập khẩu hoặc liên doanh với nước ngoài, tôi thấy có hiệu quả. Dù biết là bị làm giá và chi phí sau mỗi vụ tôm có thể đội thêm hàng chục triệu đồng nhưng tôi không dám mạo hiểm thay đổi”. Ông Lâm Thanh Tâm, ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước - Cà Mau, giải thích: “Nhiều lúc tôi cũng muốn thử dùng sản phẩm thức ăn nuôi tôm của các DN trong nước nhưng chưa thấy ai dùng nên không biết hiệu quả ra sao, đành tiếp tục dùng các sản phẩm giá cao của DN nước ngoài”. Theo kỹ sư Lê Anh Xuân, người được mệnh danh là “bác sĩ tôm” ở Bạc Liêu, hiện nay, trên thị trường Bạc Liêu có đến trên 90% lượng thức ăn nuôi tôm được sản xuất bởi các DN FDI hoặc nhập khẩu. Không chỉ chiếm lĩnh thị trường, các sản phẩm này còn tạo dựng được niềm tin vững chắc trong người chăn nuôi nên việc bị làm giá là điều khó tránh khỏi. D.Nhân |
Bình luận (0)