Cập nhật từ Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM cho thấy có 25 doanh nghiệp (DN) với khoảng 1.975 người lao động (NLĐ) đã thực hiện phương án "3 tại chỗ". Còn không ít DN tại TP HCM phải quyết định tạm dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động.
Chủ DN thành "chủ đại gia đình"
Vừa tất bật hoàn thiện chỗ ăn ở, nghỉ ngơi, sinh hoạt cho gần 300 công nhân (CN) - ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) - vừa phải cố gắng nắm bắt sát sao tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để họ an tâm làm việc.
"Công ty không cho phép CN dùng điện thoại trong giờ làm việc nhưng với tình hình hiện nay, phải nới quy định để họ liên lạc với gia đình, người thân. Ông chủ DN giờ như "chủ đại gia đình", đủ thứ lo trong những ngày này, từ phòng dịch đến sản xuất và chăm lo đời sống của nhân viên - lao động khi ở lại cả ngày lẫn đêm" - Tổng Giám đốc Bidrico bộc bạch.
Công ty TNHH Nidec Việt Nam bố trí cho công nhân ở lại doanh nghiệp sản xuất .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Trước đó, sau khi nhận được văn bản 2337/UBND-TH của UBND TP về quy định "3 tại chỗ", DN này lập tức bắt tay vào sắp xếp các điều kiện cần thiết. Công ty bố trí khoảng 1.000 m2 làm chỗ ở cho gần 300 CN và gấp rút xây dựng các khu công trình phụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu.
"Nhà ăn của công ty bình thường chỉ phục vụ bữa sáng cho khoảng 50 người, giờ trở thành nhà bếp phục vụ ngày 3 bữa cho gần 300 người. Rất nhiều nhu cầu về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt đang được chúng tôi tiếp tục hoàn thiện để NLĐ yên tâm ở lại" - ông Hiến nói và khẳng định dù khó khăn rất lớn nhưng lãnh đạo nhiều DN đều nhận thức được trách nhiệm chung tay trong cuộc chiến phòng chống đại dịch.
Công ty CP In số 7 - KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) đã bố trí cho 60 CN nam ở lại DN làm việc, còn 60 CN nữ được bố trí ở khách sạn và có xe đưa đón của công ty. Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết công ty cũng kết nối với 2 phòng khám đa khoa gần nhất để xử lý các tình huống cấp bách hoặc không may có ca F0, F1. Ban Giám đốc, cán bộ Công đoàn cũng phải thực hiện "3 tại chỗ" cùng NLĐ để lo mọi nhu cầu thiết yếu và hỗ trợ CN khi có vấn đề phát sinh. "DN hỗ trợ lều bạt, vật dụng cần thiết cùng 3 bữa ăn mỗi ngày cho NLĐ. Bên cạnh đó, Công đoàn còn trợ giá thực phẩm cho nhà ăn, cung cấp thêm mì gói, sữa miễn phí cho NLĐ, trái cây tráng miệng sau bữa ăn" - ông Tâm cho hay.
Nỗ lực vì cộng đồng
Thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường hai địa điểm" vào lúc này rất khó khăn nên Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Juno (huyện Bình Chánh) quyết định dừng bộ phận trực tiếp sản xuất từ ngày 15-7 cho đến khi TP có thông báo mới. Chỉ riêng bộ phận mẫu phát triển cùng nhóm nhân viên kho được tổ chức mô hình "3 tại chỗ".
Ông Lý Khánh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết để bảo đảm sinh hoạt của NLĐ trong thời gian này, DN đã chuẩn bị sẵn thực phẩm và vật dụng thiết yếu, tổ chức bếp ăn, bố trí nơi ở. Mỗi tuần, công ty cũng sẽ tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho NLĐ để theo dõi tình hình sức khỏe và hiệu quả của công tác phòng chống dịch tại công ty.
"Công đoàn và Ban Giám đốc đang thương lượng về lương bổng cũng như các chế độ chăm lo cho CN phải tạm ngưng việc trong những ngày này" - ông Hoàng thông tin và bày tỏ hy vọng với sự hợp tác của DN, dịch bệnh sẽ mau chóng được kiểm soát.
Tổ chức hoạt động theo quy định mới với Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cũng là vấn đề nan giải bởi DN có tới hơn 10.000 NLĐ. Ngay từ 6 giờ sáng 14-7, sau khi nắm được thông tin từ Văn bản số 2337/UBND-TH, ban giám đốc công ty đã triệu tập cuộc họp và đưa ra nhiều phương án nhưng do thời gian thực hiện quá gấp rút nên không tìm được giải pháp tối ưu.
Đến trưa 14-7, công ty quyết định cho hầu hết NLĐ tạm nghỉ việc từ ngày 15-7 cho đến khi TP có thông báo mới, hưởng lương tối thiểu vùng. Với riêng 150 lao động làm việc tại bộ phận liên quan đến xuất hàng, giao hàng, công ty bố trí ăn, ở tại chỗ để xử lý công việc phát sinh.
Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12) ban đầu dự kiến bố trí cho 1.000/2.500 NLĐ ăn, ở, làm việc tại nhà máy theo phương án đã xây dựng trước đó. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc và thấy không bảo đảm sức khỏe cho CN, DN đã cho toàn bộ NLĐ tạm nghỉ việc, hưởng 70% lương cơ bản (cao hơn lương tối thiểu vùng).
"Việc phải dừng sản xuất khi đơn hàng khá nhiều gây không ít khó khăn và tổn thất. Nhưng vì mục tiêu chống dịch và sức khỏe của NLĐ, công ty sẵn sàng tuân thủ quy định để chung tay cùng TP vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Hà Quang Tuyến, Chủ tịch Công đoàn công ty, nói rõ.
Cho DN hoạt động trong lúc chờ đánh giá
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), nhiều DN đã có kế hoạch, chuẩn bị phương án sản xuất "3 tại chỗ" từ trước nên không bị động trước quyết định của TP. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận không nhỏ DN dù biết trước sẽ phải thực hiện các quy định này nhưng do điều kiện tài chính, mặt bằng… không đáp ứng được nên không dễ thực hiện.
"Số DN gặp khó khăn khi triển khai "3 tại chỗ" là rất lớn bởi cần có tài chính mạnh mới thực hiện được quy định này. Nếu DN không tích lũy tài chính hoặc không được đối tác hỗ trợ thì "3 tại chỗ" chính là bài toán nan giải, nhất là khi thời gian chuẩn bị quá gấp khiến họ không xoay xở kịp" - ông Dũng nhìn nhận.
Chủ tịch HUBA cũng cho rằng không loại trừ sẽ có rắc rối phát sinh trong quá trình tổ chức đánh giá điều kiện cho DN hoạt động. Chẳng hạn, một số DN đã đăng ký phương án và tổ chức thực hiện "3 tại chỗ" để giữ cho sản xuất không bị đình trệ trong thời gian chờ các đoàn liên ngành đến khảo sát, đánh giá. Nhưng, khi đoàn đến kiểm tra thì kết luận không đạt tiêu chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm… và yêu cầu tạm dừng hoạt động để chuẩn bị lại.
Trước tình hình này, HUBA đang theo sát hội viên, hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức sản xuất trong điều kiện đặc biệt. Hiệp hội cũng đang tập hợp các phản ánh của DN để báo cáo TP cùng với các kiến nghị giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho biết tính đến ngày 14-7, Ban Quản lý đã nhận được phương án tổ chức "3 tại chỗ" của 58/85 DN trong khu. Trong đó, khá nhiều DN chọn thuê khách sạn ở gần công ty cho NLĐ lưu trú và bố trí xe đưa đón mỗi ngày.
Hiện, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đang khẩn trương phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức rà soát, đánh giá trước khi quyết định cho phép DN tổ chức hoạt động theo quy định. "Theo quy định của UBND TP, chỉ DN nào có phương án được duyệt mới được tiếp tục hoạt động. Thời gian để thực hiện đánh giá quá gấp, khả năng sẽ không kịp hoàn tất đánh giá sớm cho tất cả DN nên rất mong TP cho phép các DN có phương án được tiếp tục hoạt động trong thời gian chờ đánh giá" - bà Loan kiến nghị.
Chỉ sản xuất khi thực sự an toàn
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Văn bản số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM, chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi DN và NLĐ thực sự an toàn. Trong đó, NLĐ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung, nơi làm việc.
Về phương án vận chuyển NLĐ từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc, DN phải đáp ứng các quy định, đồng thời rút ngắn tối đa quãng đường và tối thiểu cung đường. Về thực hiện "3 tại chỗ", DN phải có phương án giãn cách, chia ca kíp bảo đảm an toàn; bảo đảm điều kiện về nơi lưu trú tập trung của NLĐ theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT; bảo đảm chất lượng bữa ăn, sức khỏe NLĐ.
Đồng thời, nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, NLĐ ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách khác theo quy định.
Trong quá trình thực hiện phương án "3 tại chỗ", nếu có khó khăn, vướng mắc, DN có thể phản ánh về Bộ LĐ-TB-XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI.
V.Duẩn
Bình luận (0)