xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp hưởng lợi từ lãi vay giảm

THÁI PHƯƠNG

Mặt bằng lãi suất đi xuống đang góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí lãi vay, hỗ trợ phục hồi sau dịch Covid-19

Cùng với động thái giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục công bố điều chỉnh giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

Tín hiệu tích cực

Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (gọi tắt là Nhựa Duy Tân) vừa ký kết hợp đồng tín dụng xanh với NH HSBC Việt Nam nhằm có nguồn vốn tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy nhựa tái chế của DN này. Đây là khoản tín dụng xanh đầu tiên HSBC thu xếp cho một DN Việt Nam trong tổng số 100 tỉ USD mà NH này cam kết sử dụng cho tài trợ và đầu tư bền vững trên toàn cầu đến năm 2025.

Nhà máy của Nhựa Duy Tân có công suất dự kiến 100.000 tấn/năm tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), vốn đầu tư 60 triệu USD và dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2020. Đại diện công ty cho biết đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế bottles to bottles (từ chai nhựa phế liệu thành chai nhựa mới) đạt tiêu chuẩn của Mỹ để sử dụng trong bao bì thực phẩm.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ lãi vay giảm - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng thương mại đang có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19 Ảnh: LAM GIANG

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Bảo Quốc, Giám đốc tài chính Nhựa Duy Tân, cho biết trong giai đoạn dịch Covid-19, DN vẫn hoạt động ổn định và hiện có những tín hiệu phục hồi tích cực, trong đó có việc xúc tiến triển khai dự án nhà máy nhựa tái chế.

Chi tiết khoản tài trợ tín dụng xanh của NH HSBC với Nhựa Duy Tân không được công bố nhưng công ty kỳ vọng sẽ được NH giải ngân khoảng 50% giá trị vốn đầu tư của dự án. Với một khoản tín dụng xanh trong danh mục tài chính được cấp bởi NH HSBC sẽ giúp Duy Tân mở rộng triển vọng tiếp cận các thị trường vốn quốc tế trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, công ty cũng vừa nhận được sự hỗ trợ của các NH thương mại trong việc miễn, giảm lãi vay. Do quy mô khoản vay của Nhựa Duy Tân với một số NH thương mại khá lớn, nên việc được giảm 1-2 điểm % lãi vay sẽ hỗ trợ không nhỏ cho công ty bớt áp lực chi phí đầu vào, bên cạnh một số chính sách khác về miễn, giảm các khoản phí giao dịch, phí thanh toán cho DN…

Ông Phạm Quang Trưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Tâm Duy Phát (tỉnh Bình Dương), cho hay vừa được NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ giảm lãi vay nhằm sớm khôi phục hoạt động kinh doanh sau dịch Covid-19. DN mới hoạt động trở lại, chưa thể như trước đây nhưng cũng có tín hiệu tích cực ban đầu khả quan.

"Với mức giảm lãi vay 1-2 điểm %, DN sẽ giảm khoản lãi phải trả, có thêm vốn bổ sung hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện chi phí thuê bến bãi, tiền lương cho các tài xế lại rất lớn. Do vậy, DN vẫn mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm bên cạnh ngành NH, để hoạt động kinh doanh phục hồi nhanh hơn" - ông Phạm Quang Trưng đề xuất.

Nhiều DN cũng chia sẻ đã được các NH điều chỉnh giảm lãi vay, giảm phí giao dịch, thanh toán nhưng sự hỗ trợ này dựa trên việc NH cắt giảm một phần chi phí, lợi nhuận. Để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, các DN kiến nghị cần có chính sách giải cứu, hỗ trợ mạnh hơn từ nhà nước như miễn giảm thuế, hỗ trợ kích cầu thị trường, xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu…

Ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng nếu có chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất cho cả những DN ít bị ảnh hưởng, ít thiệt hại… sẽ góp phần khôi phục nền kinh tế nhanh hơn. Các thủ tục, quy định cần phải đơn giản hơn để DN nhận được hỗ trợ ngay và cùng lúc, nhằm có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Lãi suất có thể giảm thêm

Từ đầu tháng 7 đến nay, làn sóng giảm lãi suất huy động được nhiều NH thương mại áp dụng từ Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, VPBank, Nam A Bank, Eximbank...

Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), trong biểu lãi suất mới nhất, lãi suất tiền gửi từ 1-5 tháng là 3,95%/năm, thấp hơn mức trần quy định 0,3 điểm %. Lãi suất cao nhất của NH này khi khách gửi tại quầy cũng chỉ còn 7,2%/năm, thay vì mức 7,5%/năm trước đó.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, nhìn nhận từ ngày 1-7, xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra ở nhiều NH thương mại và đang lan tỏa khắp hệ thống. Lãi suất đầu vào giảm góp phần tạo thêm cơ hội hạ lãi vay, từ đó DN được hỗ trợ nhiều hơn.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp nhất thời điểm này được NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng chỉ 3,15%/năm kỳ hạn 1 tháng, 3,3%/năm kỳ hạn 5 tháng. Bốn NH thương mại nhà nước là Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ 3,7%/năm, lãi suất gửi kỳ hạn cao nhất 6,1%/năm.

Cùng với động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi, nhiều NH thương mại tiếp tục công bố hạ lãi vay cho DN.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc Trung tâm Khách hàng phía Nam VietinBank, NH này đã giảm lãi suất khoảng 2 điểm % cho DN vay ngắn hạn và 0,5 điểm % cho DN vay trung dài hạn. Nếu có thêm điều kiện, NH sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất vay cho DN. Tính từ ngày 23-1 đến 19-6, VietinBank đã giải ngân cho gần 7.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với doanh số mới khoảng 180.000 tỉ đồng, lãi suất giảm 0,5 điểm % so với trước dịch…

Số liệu của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho thấy mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể so với trước đó. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm từ 0,09-0,75 điểm %, tùy kỳ hạn và mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm từ 0,27-1,5 điểm % so với cuối năm ngoái.

"Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 23-6 chỉ khoảng 2,93%, bằng 1/3 của năm 2019. Thực tế, hiện tiền gửi vẫn đổ vào hệ thống, thanh khoản dồi dào nên các NH rất muốn cho vay, chỉ cần DN đáp ứng đủ tiêu chí là được giải ngân. Tại Nam A Bank, các DN đã, đang giao dịch với NH đều được giảm lãi vay, cơ cấu lại khoản nợ… Bài toán còn lại lúc này là khả năng hấp thụ vốn và tính hiệu quả của dự án để NH sẵn sàng giải ngân" - ông Hoàng Việt Cường phân tích. 

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Đức Thành nhận định lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới do nhu cầu vốn từ DN và nền kinh tế giảm. Do đó, Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ DN. Điều DN cần nhất hiện nay là giúp họ tồn tại hoặc tạo ra thị trường mới, trong khi thực tế các gói hỗ trợ đang tập trung vào khâu "kết quả hoạt động". Cụ thể, DN có lợi nhuận thì được giảm thuế thu nhập 30% nhưng phần lớn DN đều đang khó khăn. Chính sách cần phải hỗ trợ làm giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ vào quá trình sản xuất, bất kể là DN có lợi nhuận hay không.

"Trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các DN còn có khả năng hoạt động. Hiện tại, chính sách vĩ mô nên tập trung vào chính sách tài khóa, thông qua việc cắt giảm các khoản thu, khoản phí đối với DN; chính sách tín dụng mở rộng cho DN có ý nghĩa quan trọng nhưng không nên tăng trưởng quá mạnh vì dễ dẫn tới bất ổn vĩ mô" - PGS-TS Nguyễn Đức Thành đề xuất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo