Một số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động phải đối diện nguy cơ phá sản khi các loại phí, thuế tài nguyên tăng lên gấp 3-4 lần theo Thông tư 44/2017 của Bộ Tài chính.
Khó đủ đường
Tháng 6-2017, Hiệp hội Các DN nhỏ và vừa tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kiến nghị xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư 44/2017 về khung giá tính thuế tài nguyên khoáng sản.
Theo đó, nếu thu theo Thông tư 44 sẽ đẩy mức thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lên gấp 3-4 lần. Việc tăng thu thuế với mức cao trong một thời gian ngắn như vậy sẽ khiến nhiều DN đối diện nguy cơ ngừng sản xuất, phá sản.
Hoạt động của các doanh nghiệp khai thác đá gặp khó khăn nếu mức thuế tăng lên 3-4 lần
Ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Trung Hải - Nghệ An, cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 36 DN được cấp phép khai thác đá. Do hoạt động khó khăn, 26 đơn vị đã ngừng hoạt động; trong 10 đơn vị còn lại, chỉ một số hoạt động hiệu quả còn hầu hết sản xuất cầm chừng. Nếu thuế tăng lên gấp 3-4 lần thì sẽ càng có thêm nhiều DN ngừng hoạt động".
Theo ông Hải, với cách tính thuế mới của Thông tư 44, công ty ông phải đóng thêm 21,6 tỉ đồng. Việc phải đóng một khoản tiền lớn như vậy sẽ khiến chi phí sản xuất tăng cao, hàng làm ra không bán được, DN càng hoạt động càng thua lỗ.
Ông Chhagan Lal Patel, Giám đốc điều hành Công ty CP Sản xuất - Thương mại Quang Long (một DN Ấn Độ đang khai thác mỏ tại huyện Quỳ Hợp), lo lắng: "Đá xấu, khai thác ra bán không được, nếu thuế tăng nữa thì chắc chắn DN sẽ phá sản, chúng tôi phải bỏ về nước thôi".
Theo các DN khai thác đá trên địa bàn, hiện các nước Trung Quốc, Malaysia đang cạnh tranh thị phần với DN Việt Nam trong việc xuất khẩu đá trắng. Nếu thuế tăng, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, lúc đó đá của Việt Nam khó có thể xuất ra nước ngoài.
"Đơn giá đá ốp xuất khẩu hiện khoảng 280.000 đồng/m2, nếu áp ở mức tăng thấp nhất theo Thông tư 44 thì bình quân mỗi m2 phải tăng thêm khoảng 30.000 đồng. Giá thành sản phẩm tăng cao như vậy thì không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế" - ông Chu Đức Mạnh, Công ty CP Xây dựng và Hợp tác đầu tư Đất Việt, phân tích.
Hàng chục ngàn lao động sẽ mất việc làm
Theo thống kê của Hiệp hội Các DN nhỏ và vừa tại huyện Quỳ Hợp, nếu mức thu thuế như Thông tư 44 được áp dụng, có tới 95% DN trên địa bàn rơi vào tình cảnh phá sản, hàng chục ngàn lao động địa phương đối diện nguy cơ mất việc. Ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP An Sơn, băn khoăn: "Hơn 90% sản phẩm đá của công ty đều xuất khẩu, nếu cách tính thuế mới được áp dụng thì DN không trụ nổi. Chúng tôi ngừng hoạt động thì hơn 300 công nhân đang làm việc sẽ không biết về đâu".
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thành Trung, trăn trở: "Người dân Quỳ Hợp lâu nay sống phụ thuộc vào các mỏ đá, nhà máy chế biến đá. Nếu các DN khai thác đá gặp khó, phải ngừng hoạt động thì sẽ có hàng ngàn người mất việc làm, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó".
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, hiện các DN khai thác khoáng sản, đặc biệt là đá trắng, trên địa bàn rất khó khăn, nhiều đơn vị đã phải ngừng hoạt động. Một số DN còn nợ đọng thuế khó có khả năng chi trả, nếu còn tăng thuế theo Thông tư 44 thì họ sẽ khó trụ được. Huyện mong cấp trên có chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho DN của địa phương phát triển ổn định".
Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị
Nghệ An và Yên Bái là 2 địa phương có trữ lượng đá hoa trắng lớn nhất nước. Trước thông tin mức thu thuế tài nguyên khoáng sản tăng lên 3-4 lần, Hội Đá trắng tỉnh Yên Bái cũng đã có công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kiến nghị xem xét lại.
Bình luận (0)