Chiều 4-12, tại TP HCM, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN), xử lý các phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh với sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành.
73% cho rằng thủ tục rườm rà
Ông Trương Gia Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - cho biết kết quả khảo sát trước hội nghị cho thấy, 4 lĩnh vực DN có nhiều vướng mắc là nông nghiệp, du lịch, tài chính và kinh tế số - khởi nghiệp sáng tạo. Về rào cản đối với DN, 73% cho rằng thủ tục còn rườm rà, gây mất thời gian cho DN. Tiếp đó là thái độ hành vi ứng xử không tốt của cán bộ cơ quan nhà nước với DN (64%). Sự chồng chéo của các cơ quan nhà nước (46%).
"Cụ thể, về thủ tục rườm rà, DN dẫn chứng trường hợp kiểm soát nhập khẩu giấy làm nguyên liệu xuất khẩu. DN phải xin giấy phép đủ điều kiện nhập khẩu, phải ký quỹ, kiểm định 100% mà thủ tục thì lằng nhằng. Hay chuyện giao đất, DN đã tiến hành khảo sát, đo đạc xong và làm thủ tục hành chính với sở tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối, chính quyền địa phương lại bảo rằng không phù hợp chủ trương nên họ không giao đất cho DN" - ông Bình nêu dẫn chứng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Ảnh: Ngọc Ánh
Về thái độ ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước, ông Bình cho rằng Bộ Công an cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự nhưng có những vụ việc công an xác minh quá lâu (hơn 6 tháng) mà không có kết luận gây tâm trạng bất an cho doanh nhân, DN.
Đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP HCM (BSSC), nhận xét chưa có sự bứt phá, DN vẫn gặp khó trong việc tiếp cận văn bản pháp lý do không có đầu mối đủ lớn, thiếu minh bạch. Ngay cả BSSC, là vườn ươm DN nhưng phải tự chủ tài chính, nộp thuế như một DN bình thường.
Chưa thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA), cho biết điều kiện được vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao là rất khó. Điều kiện đầu tiên là DN phải được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao nhưng hiện cả nước mới có 28 DN được cấp chứng nhận này. Trong khi đó, thời gian thẩm định quá lâu ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của DN.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thừa nhận các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả. Bộ đã tổng hợp các vướng mắc và ghi nhận thủ tục để được hưởng ưu đãi rất nhiêu khê với 40 thủ tục, gồm 16 bước mang hình ảnh xin - cho. Theo đó, các bộ ngành đã có dự thảo sửa đổi nghị định theo hướng phân cấp thủ tục xác nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cấp tỉnh, thành phố; các tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cũng sẽ được công nhận để tăng giá trị tài sản thế chấp.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thông tin đến nay đã giải ngân 36.000 tỉ đồng trong gói 100.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Theo ông Tú, có DN phát biểu với cơ quan truyền thông về việc không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này nên đã cho xác minh. Kết quả, DN này có 4 dự án thì 3 dự án đang "đắp chiếu" nên ngân hàng không dám cho vay, sợ mất vốn. Vì vậy, DN cũng cần xem lại tính khả thi của dự án cũng như sự minh bạch của mình chứ không phải ngân hàng làm khó.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ cam kết hỗ trợ DN cắt giảm các chi phí không cần thiết để tăng tính cạnh tranh. Chính phủ đang đổi mới mạnh mẽ theo hướng một việc chỉ giao cho một đầu mối, phân cấp mạnh cho địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu. Về thái độ công chức thực thi gây phiền nhiễu cho DN, chính quyền sẽ tăng cường kiểm soát cán bộ thực thi để phát hiện và xử lý cán bộ sai phạm. Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức và người dân, DN; giảm các văn bản mật, tăng tính công khai để phục vụ người dân, DN.
Bình luận (0)