Chiều 11-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND TP HCM tổ chức Hội nghị ngành NH góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cùng chủ trì hội nghị.
Doanh nghiệp vẫn chật vật Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, cho biết tính đến cuối tháng 4-2023, huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng khả quan, thanh khoản dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng. Do đó, ngành NH có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,04% so với cuối năm ngoái.Tại Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng, phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân, tính đến hết quý I/2023, huy động vốn toàn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng vốn huy động toàn quốc. Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm ngoái và thấp hơn mức tăng chung của cả nước.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Bình An
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay mặt bằng lãi suất chung đã dần ổn định, nhiều NH thương mại đã giảm lãi suất cho vay. Lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NH thương mại hiện nay khoảng 6,3%/năm, giảm khoảng 0,18 điểm % so với cuối năm ngoái; lãi suất cho vay phát sinh mới ở khoảng 9,3%/năm, giảm khoảng 0,65 điểm %/năm so với cuối năm ngoái...
Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, mặt bằng lãi suất trong quý I/2023 được duy trì ổn định và có xu hướng giảm, trong đó có nhiều chi nhánh NH đã giảm lãi vay từ 0,5-1,5 điểm %/năm với tất cả kỳ hạn.Dù vậy, lãnh đạo các địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cho rằng lãi suất cho vay vẫn cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, đơn hàng xuất khẩu giảm, sức mua trên thị trường suy yếu.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, kiến nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ DN, người dân tiếp cận nguồn vốn vay theo đúng chủ trương; tránh tình trạng lãi suất điều hành giảm nhưng thực tế phải mất một thời gian thì các NH thương mại mới áp dụng. Các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển. "DN hiện vẫn rất chật vật trong khi các NH lãi lớn.
Nếu lãi suất cho vay về dưới 10%/năm, riêng lãi suất cho DN ngành lương thực - thực phẩm giảm còn 7%-8%/năm thì mới có thể tăng khả năng cạnh tranh, tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa, từ đó tạo sức cầu nội địa để bù đắp kim ngạch xuất khẩu sụt giảm" - bà Lý Kim Chi bày tỏ.Cần tiếp tục giảm lãi vayChủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kiến nghị NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; định hướng mạnh mẽ hơn nữa việc đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và hướng tới giảm lãi suất cho vay bởi mặt bằng lãi suất có giảm những vẫn neo ở 10%/năm, cao hơn mức mong muốn của cộng đồng DN là 7%-8%. "Dù đây là thách thức đối với điều hành của NHNN nhưng cần bàn bạc để có giải pháp" - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói. Lãnh đạo TP HCM cũng kiến nghị NHNN có giải pháp để giãn, hoãn và không chuyển nhóm nợ xấu đối với DN gặp khó khăn. Về các khoản vay mới, đề nghị NHNN nghiên cứu quy định mới, ví dụ định giá lại tài sản thế chấp, bởi tỉ lệ giải ngân vốn tính trên tài sản. Với trường hợp có lịch sử tín dụng tốt, có thể xem xét áp dụng mở rộng cấp vốn tín chấp...
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều DN đồng loạt kiến nghị giảm lãi suất cho vay; triển khai các chính sách ưu đãi với thủ tục đơn giản, phù hợp thực tế để DN tiếp cận được. Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng dù NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành giúp lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh là khoảng 10%-11%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn là từ 11%-13%/năm.
Mức này vẫn cao hơn 2-3 điểm % so với giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Thực tế này khiến các DN chưa mặn mà vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay. Về những khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng, khó khăn của thị trường bất động sản tác động không chỉ tới DN mà cả người mua nhà, theo Thống đốc NHNN, cần đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp của các bộ, ngành chứ không riêng ngành NH. "70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc pháp lý. Nếu giải quyết được vướng mắc này thì DN sẽ bán được hàng, có thêm dòng tiền; khách hàng cũng yên tâm hơn khi vay vốn mua nhà, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dẫn chứng.
Bình luận (0)