Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Proton, đơn vị được giao khai thác phát triển chợ đầu mối Dầu Giây, cho biết tình hình kinh doanh tại chợ phát triển tốt hơn dự kiến. Đây là một chợ đầu mối hoàn toàn mới nhưng chỉ sau 1 năm hoạt động đã đạt mức tiêu thụ ấn tượng, bình quân 300 tấn rau củ quả/ngày.
Được biết, chợ đầu mối Dầu Giây có quy mô 55 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỉ đồng tại trung tâm hành chính huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đây là chợ đầu mối có quy mô lớn nhất của tỉnh.
Buôn bán tại chợ đầu mối nông sản Dầu Giây
Ông Nguyễn Hồng Long cho biết thêm, xu hướng hoạt động của chợ đầu mối trong thời gian tới không chỉ có mua và bán vì phải cạnh tranh gay gắt với kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử. Mới đây, Công ty TNHH MTV Proton đã ký hợp đồng ghi nhớ với một tập đoàn châu Âu trong việc xây dựng chợ đầu mối quốc tế tại khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam (địa điểm chính xác đang được tiếp tục khảo sát), thời gian thực hiện trong 3 năm tới.
Theo ông Long, chợ đầu mối quốc tế là một tổ hợp kinh tế liên ngành có thương mại, logictis, du lịch với nhiều hạng mục như: trang trại mẫu, trung tâm thu mua nông sản tập trung, khu đấu giá nông sản, phòng kiểm nghiệm, khu triển lãm - hội chợ quốc tế, khu công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp, cụm trường đào tạo nhân lực cho nông nghiệp theo yêu cầu,… Khi đó, chợ đầu mối quốc tế tại Việt Nam sẽ giúp nâng cao chất lượng nông sản Việt, mở rộng xuất khẩu, nâng cao chất lượng hàng cung cấp nội địa, gắn kết sản xuất và tiêu thụ. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho dự án từ 2 tỉ USD trở lên theo hình thức xã hội hóa 100%. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mô hình này và sẵn sàng rót vốn chính (khoảng 70%).
Theo quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt thì chợ đầu mối nông sản là nơi giúp tăng cường khả năng lưu thông hàng hóa về quy mô và chủng loại. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ một phần cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với chợ đầu mối nông sản, thực phẩm. Thương nhân kinh doanh tại các chợ đầu mối nông sản, chợ mới xây dựng có thể được vay ưu đãi (lãi suất thấp hơn lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại cùng thời điểm) để đầu tư nâng cấp quầy, sạp, mua dụng cụ đo lường hoặc tăng vốn lưu động mở rộng kinh doanh.
Bình luận (0)