Thực hiện chức năng giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN); giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN nhà nước (NN), Bộ Tài chính vừa cảnh báo giám sát đặc biệt đối với Tổng Công ty CP Sông Hồng (thuộc Bộ Xây dựng).
Nguy cơ mất vốn nhà nước
Cảnh báo giám sát đặc biệt đối với Tổng Công ty Sông Hồng được đưa ra khi kết thúc năm tài chính 2016, DN này lâm vào cảnh "bóc ngắn cắn dài", phải lấy nợ ngắn hạn trả nợ dài hạn, dẫn tới rủi ro trong thanh toán, dòng tiền từ sản xuất kinh doanh âm, quản lý công nợ không hiệu quả.
Viettel, một trong số ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả Ảnh: TẤN THẠNH
Cụ thể, tổng doanh thu năm 2016 của Tổng Công ty Sông Hồng đạt hơn 564 tỉ đồng, tăng hơn 28 tỉ đồng so với năm 2015, tương đương mức tăng 5,3%. Tuy nhiên, tổng chi phí năm 2016 lên tới hơn 723 tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm trước. Mức tăng của chi phí cao hơn mức tăng của doanh thu, dẫn tới lợi nhuận trước thuế của DN âm khoảng 160 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Tổng Công ty Sông Hồng lên tới gần 390 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 63 tỉ đồng. Nợ ngắn hạn của DN này tại thời điểm nói trên là hơn 895 tỉ đồng, cao hơn số dư tài khoản ngắn hạn, dẫn tới tình trạng phải sử dụng một phần nợ ngắn hạn tài trợ cho nợ dài hạn. Đây là năm Sông Hồng tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, lỗ năm sau cao hơn năm trước.
Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo về quản lý công nợ của DN, Tổng Công ty Sông Hồng có số nợ phải thu, phải trả tại thời điểm ngày 31-12-2016 lần lượt là hơn 432 tỉ đồng và 110 tỉ đồng nhưng chưa thu thập đủ thư xác nhận các khoản nợ.
Trong khi đó, tình hình đầu tư của tổng công ty cũng không sáng sủa. DN này có số dư đầu tư tài chính tại 28 công ty với tổng số tiền hơn 205 tỉ đồng nhưng chỉ thu về 867 triệu đồng tiền cổ tức. Như vậy, tỉ suất sinh lời của các khoản đầu tư ra ngoài của Tổng Công ty Sông Hồng chỉ đạt 0,42%.
Từ thực tế này, Bộ Tài chính cảnh báo khả năng vốn đầu tư của nhà nước tại Tổng Công ty Sông Hồng không được bảo toàn và đề nghị người đại diện vốn nhà nước tại DN này thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý tài chính; có phương án kiểm soát công nợ phải thu, đôn đốc thu nợ quá hạn, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định; đánh giá hiệu quả các khoản đầu tư và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đồng thời, báo cáo cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng, trong đó xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan và tái cấu trúc DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nộp ngân sách giảm
Trường hợp của Tổng Công ty Sông Hồng không phải là cá biệt trong tổng thể chung của khu vực DNNN.
Trong một báo cáo về tình hình tái cơ cấu DNNN công bố mới đây, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ rõ điểm bất thường là không ai biết dòng vốn của nhà nước đang chảy như thế nào nên không thể cảnh báo rủi ro, yếu kém mà chỉ phát hiện khi sự việc kết thúc. 12 đại dự án của Bộ Công Thương thua lỗ là ví dụ điển hình cho vấn đề này. Trong khi đó, gánh nặng nợ quốc gia thông qua vay nợ của DNNN đang rất lớn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu tập trung vào quan hệ thân hữu, lợi ích và đây chính là sợi dây vô hình níu kéo, trì hoãn sự đổi mới của DNNN.
Về hiệu quả kinh doanh của DNNN, CIEM đánh giá doanh thu và lợi nhuận của các DN không những không tăng mà còn có xu hướng giảm so với một số giai đoạn trước đây. Trong một phân tích của mình, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, nhận định hiện tại, cơ hội sinh lời từ việc mua cổ phần nhà nước không còn tạo sức hút cao với các nhà đầu tư do hiệu quả kinh doanh của đại đa số DNNN còn thấp. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của toàn bộ DNNN đạt 15%-17%/năm. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất tại công ty mẹ của 4 tập đoàn gồm Dầu khí Việt Nam (PVN), Viễn thông Quân đội (Viettel), Bưu chính - Viễn thông và Công nghiệp cao su đã chiếm tới 70%, chứng tỏ hầu hết DNNN còn lại chỉ đạt tỉ suất lợi nhuận dưới 10%/năm.
Tại hội nghị triển khai công tác tài chính diễn ra đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chỉ ra 3 nguyên nhân ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách năm 2017, trong đó có giảm thu từ khu vực DNNN. Cụ thể, số lượng DNNN trên 870 nhưng năm 2016 chỉ thu đạt 90%. Về thoái vốn DNNN mới đạt 5,5%. Ngoài 5 DN lỗ lớn mà Quốc hội yêu cầu báo cáo, còn 7 DN đang phải xử lý. Bộ Tài chính đánh giá năm 2017, tình trạng này tiếp tục làm suy giảm nguồn thu 5% so với năm trước và giảm 9% so với dự toán.
Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 đối với thu thuế khu vực DNNN đã không khả quan hơn so với dự báo nêu trên. Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy 6 tháng đầu năm, thu tại các DNNN khu vực trung ương ước chỉ 17.698 tỉ đồng, đạt 31,4% dự toán, bằng 90,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do chênh lệch thuế thu nhập DN năm 2017 giảm 2% so với năm 2016 (từ mức thuế suất 22% còn 20%)… Đáng lưu ý, nhiều DN trước đây hoạt động có hiệu quả thì nay đã kém. Chẳng hạn, Viettel giảm 650 tỉ đồng, Vinaphone giảm 536 tỉ đồng, PVN giảm 389 tỉ đồng, Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giảm 463 tỉ đồng. Một số ngân hàng cũng giảm nộp thuế do nợ xấu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh như Ngân hàng Ngoại thương giảm 205 tỉ đồng…
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung trên cả nước, thu thuế của khu vực DNNN chỉ đạt 82.500 tỉ đồng, giảm hơn 8.700 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015 và giảm hơn 1.300 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2014.
Kỳ tới: Xử lý chưa hiệu quả
Lấy hiệu quả làm tiêu chí đánh giá chủ yếu
Chính thức thực hiện tái cơ cấu từ năm 2011, đến nay, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN vẫn chưa được cải thiện. Không chỉ nộp thuế giảm mà nguy cơ làm ăn thua lỗ, gây thất thoát vốn nhà nước vẫn tiềm ẩn ở nhiều DNNN. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII mới đây có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các DNNN thành DN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Bình luận (0)