Ngày 30-8, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã báo cáo kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách năm 2009.
Chưa xứng với vai trò đầu tàu
Theo báo cáo kết quả kiểm toán năm 2009 của 27 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) gồm 24 tập đoàn, tổng công ty và 3 công ty Nhà nước độc lập cho thấy 25/27 DN sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Tuy nhiên, KTNN cho rằng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế và đặc thù ngành nghề kinh doanh nên một số đơn vị còn thua lỗ. Cụ thể: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam lỗ 103 tỉ đồng, Tổng Công ty Sông Hồng lỗ hơn 20 tỉ đồng (lỗ lũy kế đến hết ngày 31-12-2009 là 121 tỉ đồng) và Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.
Năm 2009, Công ty Cho thuê tài chính II thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng. Ảnh: TẤN THẠNH
Việc quản lý và sử dụng đất của nhiều đơn vị chưa hiệu quả, để lấn chiếm, tranh chấp hoặc chưa kê khai nộp tiền thuê đất; cho phép cán bộ, cá nhân sử dụng đất trái quy định gây thất thoát. Đó là Tổng Công ty Dược Việt Nam cho phép cán bộ, cá nhân bên ngoài sử dụng đất và tài sản trên đất tại 95 Láng Hạ (Hà Nội) từ năm 1994 trái quy định, bỏ trống không sử dụng 7.122 m2 đất tại 15/6C Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức - TPHCM); Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam bị chiếm dụng 1.403 m2, chưa sử dụng gần 47.000 m2 và nhiều khu đất bị tranh chấp.
KTNN cho rằng một số tập đoàn, tổng công ty mặc dù có tình hình tài chính tốt nhưng một số đơn vị thành viên kinh doanh còn thua lỗ, đang trong giai đoạn đầu tư hoặc chưa bền vững. Một số tập đoàn, tổng công ty có lãi nhưng hiệu quả kinh doanh thấp so với tiềm năng và với các đơn vị cùng ngành khác. “Những hạn chế, tồn tại hoặc rủi ro tại các đơn vị này khiến họ chưa phát huy tốt nhất vai trò chủ đạo, đầu tàu nền kinh tế, chưa xứng với những lợi thế và đầu tư của Nhà nước” – KTNN nhận định.
Agribank buông lỏng công ty con
KTNN cho rằng Agribank chưa chú trọng giám sát, kiểm tra các công ty con nên để HĐQT ALC2 ban hành văn bản hướng dẫn không đầy đủ, trái quy định của Nhà nước, thực hiện thẩm định hồ sơ trước khi cho thuê còn nhiều sai phạm và đầu tư tài sản cho thuê trái quy định. Mặc dù nhiều khách hàng cho thuê có tình hình tài chính rất khó khăn, không trả được nợ gốc và lãi hoặc có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng khác nhưng công ty vẫn tiếp tục mua và cho thuê thêm tài sản; DN trong nhóm khách hàng có liên quan không trả được nợ nhưng công ty vẫn cho thuê tài chính không thực hiện nghiêm túc quy định của Ngân hàng Nhà nước về trách nhiệm của bên cho thuê tài chính.
KTNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật và có biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát của Nhà nước.
Kiểm toán tại EVN và quỹ bình ổn xăng dầu Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN, cho biết cơ quan này đã tiến hành kiểm toán tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ tháng 4 và đến nay đang trong giai đoạn xem xét phát hành báo cáo kết quả. Bên cạnh đó, KTNN cũng đã bước vào giai đoạn 2 trong đợt kiểm toán quỹ bình ổn xăng, dầu với 10 đầu mối kiểm toán, trong đó có Petrolimex. “Tôi biết đây là những thông tin được báo chí và dư luận quan tâm nhưng việc có công bố ngay lập tức sau khi hoàn tất báo cáo kiểm toán theo quy định hay không thuộc quyền của Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng” - ông Khái nói.
Bình luận (0)