Ngày 14-2, tại TP Hà Nội và TP HCM, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam đã tổ chức công bố khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản ở Việt Nam.
Nhiều lợi thế về môi trường đầu tư
Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, ông Atsusuke Kawada, cho biết khoảng 66,6% DN Nhật đầu tư tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. 88% DN tham gia khảo sát cho rằng lý do chính để mở rộng hoạt động kinh doanh là doanh thu tăng, 46% cho rằng tính tăng trưởng, tiềm năng cao.
Các DN Nhật đánh giá những mặt lợi thế của môi trường đầu tư Việt Nam là tình hình chính trị, xã hội ổn định. Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong 15 quốc gia được khảo sát ở khu vực ASEAN, Tây Nam Á và châu Đại Dương. Hơn 1/2 DN đánh giá cao về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng và chi phí nhân công rẻ. Có điều, Việt Nam tiếp tục xếp cuối trong 15 quốc gia được khảo sát cho rằng “rào cản ngôn ngữ là không đáng kể”. Theo ông Atsusuke Kawada, điều đó cho thấy vấn đề ngôn ngữ, bao gồm năng lực về tiếng Anh, vẫn là rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đặc biệt, xu hướng đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh của DN Nhật tại Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng thay vì lĩnh vực chế tạo, lắp ráp như trước đây. Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP HCM, thu nhập của người Việt ngày càng tăng và xu hướng tiêu dùng nhiều hơn nên các DN Nhật sẽ tập trung vào các lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến sẵn. Thời gian qua, nhiều thương hiệu bán lẻ đã có mặt ở Việt Nam và đang không ngừng mở rộng đầu tư, như Aeon Mall, Ministop, Familymart…
Liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trưởng đại diện JETRO tại TP HCM cho rằng đầu tư của các DN Nhật vào Việt Nam không có ảnh hưởng lớn bởi Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại quan trọng khác như với EU và đây cũng là thị trường hấp dẫn DN Nhật.
Tốn chi phí không chính thức
Về các rủi ro trong môi trường đầu tư, thứ hạng của Việt Nam tại các hạng mục giảm xuống so với năm trước cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đang được cải thiện. Tuy nhiên, khoảng 60% DN Nhật cho rằng chi phí nhân công tăng cao, các rủi ro khác như hệ thống pháp luật chưa hoàn hiện, vận dụng luật pháp không rõ ràng, cơ sở hạ tầng như điện, logistics, thông tin liên lạc… chưa hoàn thiện và cơ chế, thủ tục thuế phức tạp là vấn đề rủi ro. Một số DN Nhật cho rằng thủ tục hành chính như cấp phép còn phức tạp, thời gian thẩm tra không rõ ràng, mất nhiều thời gian hơn so với thông thường, cán bộ còn thiếu kiến thức.
Theo ông Takimoto Koji, nhiều DN Nhật cho rằng quyền hạn hành chính lớn dễ dẫn tới hành vi tiêu cực của cán bộ và cả việc vận dụng hồi tố các quy định xử phạt về phòng cháy chữa cháy, môi trường, thanh tra thuế…
Một phiền hà khác mà nhiều DN Nhật phản ánh là tình trạng phải tốn chi phí không chính thức. “Dịp trước Tết nguyên đán vừa qua, các DN Nhật phản ánh phải chi khoản phí không chính thức. Dù điều này ở Việt Nam là bình thường nhưng không phải thông lệ quốc tế. Do đó, nếu Việt Nam muốn bằng với các nước trong khu vực cần phải thay đổi, xử lý triệt để điều này” - ông Takimoto Koji chia sẻ.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các DN, yếu tố chi phí đầu vào, nguyên vật liệu đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều DN Nhật đến giờ vẫn gặp khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại do ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn non kém, chưa phát triển. Tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam đến cuối năm 2016 chỉ đạt 34,2%, tăng so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Trong đó, tỉ lệ cung ứng từ các DN nội địa chỉ 41,1%, không có sự cải thiện nhiều so với các năm trước; các DN Nhật phải thu mua nguyên vật liệu từ DN Nhật khác đang hoạt động tại Việt Nam hoặc các DN FDI khác.
Muốn cải thiện tình trạng này, theo ông Takimoto Koji, các chính sách của Chính phủ Việt Nam cần hướng đến phát triển khu vực DN vừa và nhỏ. “Mới đây, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ và JETRO cũng có đóng góp ý kiến cho luật này. Đến lúc cần đánh giá đúng vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ và khối DN vừa và nhỏ” - ông Takimoto Koji nhận xét.
Nhiều hãng xe hơi sẽ rút khỏi Việt Nam?
Tại buổi công bố khảo sát của JETRO, ông Takimoto Koji cho biết đang có xu hướng DN Nhật sẽ sản xuất xe hơi tại Thái Lan, Indonesia rồi nhập khẩu sang Việt Nam thay vì đầu tư nhà máy trực tiếp ở Việt Nam, nhất là sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe hơi giảm.
Hiện Nhật Bản có 4 hãng sản xuất xe hơi tại Việt Nam là Honda, Toyota, Suzuki và Mazda. Tuy không đưa ra dự báo liệu có hãng xe hơi nào giảm sản xuất ở Việt Nam sau năm 2018 nhưng phía Văn phòng JETRO tại TP HCM phân tích quy mô thị trường xe hơi Việt Nam mỗi năm khoảng 250.000 chiếc, trong khi ở Thái Lan khoảng 2 triệu chiếc. Dây chuyền sản xuất của một hãng trung bình phải đạt khoảng 200.000 chiếc/năm thì mới có lãi. Hiện thị trường Việt Nam mỗi năm bán ra khoảng 250.000 chiếc xe nhưng “miếng bánh” thực chất đang bị chia nhỏ cho các hãng nên sẽ không có lợi nhuận nhiều nếu tiếp tục sản xuất thay vì nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia qua trong điều kiện thuế giảm. T.Phương
Bình luận (0)