Nhiều nội dung quan trọng, hữu ích được đại biểu các nền kinh tế thành viên đóng góp chi tiết, thiết thực. Trong đó, nhấn mạnh việc cùng nhau thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển dựa trên nền tảng phát triển xanh, bền vững thông qua các công cụ hỗ trợ từ công nghệ thông tin của kỷ nguyên số…
TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, cho biết có nhiều ý kiến hữu ích của các đại biểu đưa ra mà Việt Nam có thể học hỏi, rút kinh nghiệm. Đặc biệt là việc khuyến khích phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, bảo đảm yếu tố phát triển bền vững. Đại biểu đến từ Nga cho rằng cần chống phân biệt đối xử DN nhỏ và siêu nhỏ, bình đẳng giữa DN tư nhân và nhà nước, vì họ chính là động lực để phát triển kinh tế. Quan trọng hơn là phải thể hiện sự kết nối, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng DNNVV Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn ở mức khiêm tốn. Hiện chỉ có 21% DNNVV Việt Nam liên kết được với chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi ở Thái Lan có thể lên 30% và 46% ở Malaysia.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 diễn ngày 15-9 tại TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh DNNVV là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC. Khối DN này chiếm khoảng 97% tổng số DN và tạo ra 60% việc làm. Tuy nhiên, các DNNVV với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển để DNNVV mở rộng quy mô, đẩy nhanh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; tạo thuận lợi, bình đẳng, tin cậy và thân thiện với các DN, nhất là DNNVV. Chính phủ không chỉ khuyến khích tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư; không chỉ làm cho chi phí giao dịch thấp mà còn có rủi ro thấp. Các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh khi sáng tạo, thành công và đóng góp nhiều cho xã hội.
Bình luận (0)