Đến thời điểm này, việc công bố báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2013 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết đã cơ bản hoàn tất (riêng các báo cáo kiểm toán soát xét còn nhiều DN chưa hoàn thành). Bên cạnh số DN làm ăn khá, rất nhiều DN đang thua lỗ và nợ nần chồng chất.
Nợ nần, tồn kho cao
Trong số gần 700 DN niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, có tới 145 DN thua lỗ trong 6 tháng đầu năm với tổng giá trị trên 3.300 tỉ đồng và 537 DN hoạt động có lãi với trên 39.684 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, con số nợ nần của các DN còn rất cao với tổng cộng trên 515.000 tỉ đồng, trong đó nợ vay chiếm gần 278.000 tỉ đồng. Lượng tồn kho đã giảm so với đầu năm nhưng cũng còn khá cao, với gần 200.000 tỉ đồng...
Tính đến ngày 30-6, thị trường vẫn còn gần 130 DN đang lỗ lũy kế từ các quý trước chuyển sang, gần 350 DN có số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, rất dễ dẫn đến tình trạng mất thanh khoản, thậm chí mất khả năng chi trả...
Một số DN đang nợ nần và thua lỗ nghiêm trọng là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVX) thua lỗ gần 437 tỉ đồng trong 6 tháng, nâng mức lỗ lũy kế lên 1.830 tỉ đồng. Công ty này đang có các khoản nợ phải trả lên đến 14.673 tỉ đồng (tính đến ngày 30-6), trong đó nợ vay chiếm hơn 4.500 tỉ đồng. PVX có các khoản phải thu ngắn hạn là 7.325 tỉ đồng, lượng hàng tồn kho 3.165 tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản nợ khó đòi nên công ty phải trích lập dự phòng trên 561 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty CP Pomina (POM), một DN lớn trong ngành thép, lợi nhuận 6 tháng đầu năm âm 176,5 tỉ đồng. Với tổng tài sản 7.774 tỉ đồng nhưng công ty có các khoản nợ phải trả lên đến gần 5.670 tỉ đồng trong khi các khoản phải thu là 1.513 tỉ đồng và lượng hàng tồn kho 2.135 tỉ đồng, chỉ giảm nhẹ so với đầu năm. Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị và KCN Sông Đà Sudico (SJS), từng nổi tiếng với các khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì và Nam An Khánh ở Hà Nội, dù doanh thu tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ (lên 144 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế 25 tỉ đồng thay cho mức lỗ đến 95 tỉ đồng cùng kỳ năm trước nhưng mới chỉ đạt khoảng 12% kế hoạch. Trong khi đó, tình hình tài chính của công ty vẫn còn rất khó khăn với khoản lỗ lũy kế 363 tỉ đồng, nợ phải trả trên 4.048 tỉ đồng, hàng tồn kho tiếp tục tăng hơn 120 tỉ đồng so với đầu năm, lên 4.470 tỉ đồng...
Theo các chuyên gia tài chính, việc duy trì các khoản nợ, hàng tồn kho, các khoản phải thu ở mức cao là những tử huyệt của các DN. Trường hợp của Công ty CP Thủy sản Bình An trước đây là một điển hình. Mặc dù có tài sản cố định và hàng tồn kho đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng do không huy động được tiền để chi trả cho người bán nguyên liệu đã dẫn đến việc mất thanh khoản, ngân hàng xiết nợ… buộc công ty phải thanh lý tài sản, bán cổ phần cho SHB để vượt qua khó khăn.
Bán tài sản trả nợ
Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn, rất nhiều DN đã phải tính kế chuyển nhượng tài sản, bán rẻ dự án hoặc bán công ty để giải quyết phần nào gánh nặng nợ nần.
Sự kiện nổi bật gần đây là việc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cùng lúc bán 6 dự án thủy điện, mang lại doanh thu gần 2.100 tỉ đồng và giúp công ty giảm nợ 1.876 tỉ đồng. Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch công ty, còn cho biết sẽ tiếp tục thực hiện một cuộc “đại phẫu” trong năm 2013 này khi đồng loạt bán các dự án bất động sản, khoáng sản - những mảng từng được xem là mũi nhọn của công ty - để cân đối dòng tiền và tập trung vào những ngành hiệu quả hơn...
Nhiều DN khác cũng lần lượt thông báo chuyển nhượng dự án như Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC) - sẽ chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác toàn bộ dự án trọng điểm chung cư Bàu Sen tại TP Vũng Tàu. Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV) có quyết định cho đối tác góp vốn đầu tư vào dự án khu nhà ở tại phường Phú Mỹ, quận 7,
TP HCM. Hay Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) liên tục chuyển nhượng các dự án Hà Nội Times Tower, dự án tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng tại Hà Nội với giá trị đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA), cho rằng DN bán dự án, tài sản, giải thể công ty con là việc nên làm trong điều kiện hiện nay để có nguồn vốn hoạt động, giảm áp lực nợ nần và chờ đợi cơ hội mới thay vì ôm khư khư các dự án để rồi thua lỗ, phá sản.
Hiệu quả gói 30.000 chưa là bao Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động của các DN hiện nay vẫn còn rất khó khăn. Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã được triển khai từ đầu tháng 6-2013 nhưng do tiến độ thực hiện khá chậm nên hiệu quả đối với DN không đạt là bao. Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường thời gian qua khi các dự án căn hộ thương mại trung và cao cấp đều tiêu thụ khá tốt cho thấy với những dự án đã hoàn thiện, cơ sở hạ tầng đầy đủ thì người dân vẫn chấp nhận bỏ tiền mua. Do vậy, tình hình của các DN bất động sản không phải là quá u ám. |
Bình luận (0)