Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận xung đột Nga - Ukraine khiến ngành rau quả thêm khó về đầu ra, nhất là khi xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc vẫn gặp trục trặc với chính sách "zero Covid".
Nhiều kiến nghị gỡ khó
Nga là thị trường mới nổi của sản phẩm rau quả Việt Nam khi giá trị xuất khẩu sang nước này năm 2021 đạt gần 76,6 triệu USD, tăng 41% so với năm 2020. Nhu cầu thị trường Nga rất lớn song năm ngoái, doanh nghiệp (DN) gặp khó với việc vận chuyển đường biển, còn năm nay lại gặp vấn đề về thanh toán.
"Để ứng phó, một số DN có phương án nhận hàng thay tiền, còn gọi là "hàng đổi hàng" và mong muốn nhà nước hỗ trợ về thủ tục để nhận hàng thuận lợi. Về lâu dài, nếu DN xây dựng được kênh phân phối nội địa cho hàng nhập khẩu từ Nga thì có thể tiếp tục duy trì giao thương theo hình thức nói trên vì hàng hóa của Nga và Việt Nam có tính tương hỗ" - ông Đặng Phúc Nguyên nêu giải pháp.
Cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng là giải pháp góp phần hạ giá thành sản xuất lúa gạo
Năm 2022, tiêu thụ rau quả, đặc biệt là trái cây của Việt Nam dự kiến vẫn hết sức khó khăn. Do đó, ông Nguyên khuyến cáo nông dân chỉ đầu tư sản xuất khi đã có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng; hết sức thận trọng khi trồng, sản xuất các loại nông sản tiêu thụ tự do hoặc hướng đến thị trường Trung Quốc. "Đặc biệt, bà con nông dân nên giảm sản lượng, tập trung dưỡng cây, dưỡng đất để chờ thị trường thuận lợi thay vì vội vã chặt bỏ cây này rồi trồng cây khác trong khi đầu ra vẫn mờ mịt" - ông Nguyên lưu ý thêm.
Với ngành điều, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Sơn (DN sản xuất, xuất khẩu hạt điều lớn nhất Việt Nam) - cũng bày tỏ lo ngại với những diễn biến bất lợi mới. Đặc biệt, cước vận chuyển đường biển năm ngoái vốn đã rất cao và có khả năng thiết lập đỉnh giá mới trong năm nay khi giá xăng, dầu đã tăng liên tục trong thời gian qua.
"Tập đoàn Long Sơn mỗi năm nhập khẩu 100.000 tấn điều thô, xuất khẩu 25.000 tấn điều nhân nên áp lực về chi phí vận chuyển là rất lớn. Chưa kể, việc xuất khẩu sang Nga ngừng lại do căng thẳng Nga - Ukraine buộc chúng tôi phải chuyển hướng sang Mỹ, châu Âu (EU), Trung Quốc và bị khách hàng ép giá. Trong khi đó, giá điều nhân xuất khẩu đang có xu hướng giảm giữa bối cảnh hầu hết chi phí đầu vào đều tăng" - ông Sơn nêu.
Để gỡ khó cho DN, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước kiến nghị nhà nước hỗ trợ DN giảm chi phí bằng cách đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, nhất là đường kết nối vào cảng biển tại TP HCM. Đồng thời, DN kiến nghị TP HCM xem xét hoãn thu phí hạ tầng cảng biển để DN có thời gian hồi phục. Đặc biệt, với các container hàng bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, không tiêu thụ được, DN mong muốn được hỗ trợ thủ tục để đưa hàng về nước và được nhận hàng nhanh chóng.
DN chủ động ứng phó
Không ngồi chờ hỗ trợ, nhiều DN đã chủ động triển khai giải pháp ứng phó linh hoạt với diễn biến bất lợi mới phát sinh liên quan đến dịch bệnh, địa chính trị thế giới...
Xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với diện tích 100.000 ha, Tập đoàn Lộc Trời đối diện nhiều thách thức khi vật tư nông nghiệp đầu vào tăng giá. Trong đó, giá phân bón tăng phi mã khiến bà con trồng lúa cầm chắc không có lãi trong vụ hè thu tới nếu canh tác theo phương thức cũ. Do đó, Tập đoàn Lộc Trời đang tổ chức lại sản xuất theo hướng đồng bộ các khâu để giảm chi phí. Tập đoàn tập trung vào 2 đột phá là cơ giới hóa đồng bộ để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch và sử dụng vật tư đầu vào đúng, không lạm dụng.
"Giá thành lúa tại ruộng khu vực ĐBSCL hiện ở mức 3.100 - 3.700 đồng/kg. Với mô hình chúng tôi đang thực hiện, giá thành hạ xuống còn 2.500 - 2.700 đồng/kg. Áp dụng mô hình của chúng tôi, với giá gạo thông dụng hiện là 5.700 đồng/kg, nông dân sẽ đạt 100% lợi nhuận. Một nông dân sản xuất giỏi, năm qua đã thu lời 70 triệu đồng/ha (sản xuất 3 vụ/ha), trở thành động lực để bà con nông dân tiếp tục sản xuất lúa gạo trên quy mô lớn hơn" - ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.
Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cũng thông tin năm 2021, sản lượng gạo xuất khẩu sang EU của DN này chiếm hơn 90% tổng lượng gạo xuất khẩu sang EU cả nước nhờ quản lý được vùng trồng và canh tác đạt tiêu chuẩn EU. Năm nay, mục tiêu của tập đoàn là tăng trưởng xuất khẩu sang EU thêm 20% với sản lượng dự kiến 20.000 tấn gạo, diện tích canh tác 8.000 ha.
"Chúng tôi định hướng phát triển một vùng trồng chuyên sản xuất theo tiêu chuẩn một thị trường để nông dân ngày càng thông thạo và tăng uy tín với đối tác. Ngoài ra, việc canh tác lúa theo tiêu chuẩn EU giúp giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Khi vùng trồng đạt diện tích 10.000 ha, bà con có thể bán chứng nhận giảm phát thải, cũng là một nguồn thu tiềm năng" - ông Thuận thông tin.
Tại Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục tăng, công ty đã chuyển sang ứng dụng mô hình "nông nghiệp tuần hoàn".
Theo đó, hộ nông dân có quy mô sản xuất từ 1-20 ha sẽ liên kết với DN và được DN đặt hàng sản xuất, bao tiêu đầu ra. "Các trang trại chủ yếu trồng rau màu là cây chính, cây phụ là dền cơm, rau sam, cỏ mần trầu, sả… Các cây trồng chính - phụ có khả năng tương hỗ nhằm chống sâu bệnh, cỏ dại; trong khi đó, nông dân cũng có thêm nguồn thu từ cây phụ" - bà Hằng giải thích về mô hình.
Phát triển chuỗi bán lẻ thuần Việt
Trước thực tế nhiều nông sản Việt thiếu đầu ra, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam đã phát triển chuỗi bán lẻ NutriMart với 100% sản phẩm là hàng trong nước. Đại diện DN cho biết chuỗi bán lẻ NutriMart được hình thành với mục tiêu trở thành bà đỡ cho nông sản Việt, các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và các DN khởi nghiệp. Với phương thức nhượng quyền và hợp tác tốt với chủ mặt bằng, NutriMart đã nhanh chóng mở rộng hệ thống trong năm 2021 và đạt 1.000 cửa hàng vào đầu năm 2022.
Bình luận (0)