Ngày 24-5, hàng chục doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô thương mại ở Hà Nội và một số địa phương lân cận đã cùng ký đơn khiếu nại lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị dừng áp dụng Thông tư số 20/2011/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 20) quy định hạn chế nhập khẩu ô tô của Bộ Công Thương.
Thị trường vào tay VAMA
Theo Thông tư 20, DN nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất kinh doanh. Các giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, DN phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp.
Trong 3 kênh phân phối trên thị trường hiện nay là VAMA; nhà nhập khẩu, phân phối chính thức và các DN kinh doanh xe nhập khẩu, chỉ có kênh phân phối thứ 3 bị ảnh hưởng. Hiện có khoảng 2.000 DN nhập khẩu ô tô thương mại, chiếm khoảng 50% thị trường và đang gia tăng nhờ lợi thế linh hoạt về giá cả, thời gian giao hàng, chủng loại hàng... Mỗi DN đều nhập khẩu nhiều loại xe của những hãng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài một số nhà nhập khẩu chính thức của các thương hiệu như Audi, BMW…, thị trường sẽ rơi vào tay VAMA trong khi DN nội không được hưởng lợi từ chính sách này.
Người tiêu dùng bị thiệt
Theo các DN, kỳ vọng của thị trường là khi sản xuất được ô tô, Việt Nam sẽ giảm lượng ngoại tệ nhập khẩu và hạ giá thành nhưng hơn 20 năm được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam (dựa trên vai trò chủ đạo của các liên doanh) vẫn đang đứng ở điểm xuất phát. Về phía Nhà nước, thu thuế cũng bị giảm bởi thay vì nhập khẩu nguyên chiếc, ô tô lắp ráp sẽ tăng sản lượng và thu thuế từ linh kiện sẽ thấp hơn.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Ô tô Thiên An Phúc, khẳng định sau ngày 26-6-2011, khi Thông tư 20 có hiệu lực, các liên doanh sẽ loại bớt được rất nhiều đối thủ. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng không còn quyền lựa chọn nhà nhập khẩu thứ hai với cùng một mẫu xe vì các liên doanh hiện chỉ nhập một số mẫu nhất định. Nguy cơ ô tô nhập khẩu bị làm giá là rất lớn vì thị trường sẽ khan hiếm hàng. Tình trạng này đã từng xảy ra trên thị trường Việt Nam, có thời điểm khách hàng muốn mua xe của Toyota Việt Nam phải đặt tiền trước 4-6 tháng, muốn lấy ngay phải trả thêm 2.000 - 4.000 USD cho đại lý.
Cổ xúy cho việc nhập khẩu xe cũ? Thông tư 20 chỉ áp dụng cho ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng. Như vậy, Bộ Công Thương có cổ xúy cho việc nhập khẩu xe cũ, trái với chủ trương của Chính phủ là không khuyến khích nhập xe đã qua sử dụng hay không? Một điểm bất hợp lý nữa của Thông tư 20 là quy định DN phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp. Điều này dẫn đến việc các DN không sử dụng được cơ sở bảo dưỡng của nhau, gây lãng phí vốn đầu tư. |
Bình luận (0)