Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo tờ trình về việc ban hành thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến 2 nội dung trên để bảo đảm tính hợp lý cũng như thực hiện đúng các điều ước và Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước.
Xóa quy định tỉ lệ nội địa hóa?
Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đang áp dụng phương pháp tính tỉ lệ nội địa hóa theo thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập thay vì thực hiện theo quy định trong nước. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, tỉ lệ nội địa hóa đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được tính theo danh mục chi tiết linh kiện, phụ tùng. Tuy nhiên, hầu hết DN tính theo hàm lượng giá trị của linh kiện, phụ tùng giống các nước trong khu vực ASEAN để thuận lợi trong việc thực thi cam kết xóa bỏ thuế quan và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Quy định cách tính tỉ lệ nội địa hóa ôtô của Việt Nam không được cập nhật, sửa đổi từ năm 2005 đến nay và đã trở nên lỗi thời, đi ngược thông lệ quốc tế. DN gặp nhiều phiền phức bởi khi làm việc với cơ quan chức năng trong nước thì tính tỉ lệ nội địa hóa theo danh mục linh kiện, còn làm việc với đối tác nước ngoài thì phải tính theo hàm lượng giá trị. Hơn nữa, khi Việt Nam ký kết nhiều FTA với hàng loạt cam kết chung thì các quy định trong nước đi ngược với cam kết sẽ không còn cơ sở pháp lý hoặc giá trị thực thi và buộc phải được sửa đổi, bãi bỏ" - lãnh đạo một DN ôtô lớn tại Việt Nam nêu quan điểm.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, cho rằng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo danh mục linh kiện là không công bằng bởi giá trị của mỗi loại linh kiện khác nhau rất xa. "Ốc vít được tính là một linh kiện song không thể so sánh với những linh kiện có hàm lượng công nghệ cao. Cần thiết phải thay đổi cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo hướng xác định hàm lượng giá trị linh kiện, song cần xây dựng được phương pháp tính chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế" - ông Phương lưu ý.
TS Lê Quốc Phương còn cho rằng quy định tỉ lệ nội địa hóa của ngành ôtô Việt Nam đến năm 2006 đạt 50% và tăng dần qua mỗi năm cũng không còn phù hợp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ. Các FTA đòi hỏi quốc gia thành viên mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan, từ đó DN nội khối được tự do lựa chọn sản xuất hay nhập khẩu linh kiện ôtô sao cho có lợi.
"Mục đích chính của quy định về tỉ lệ nội địa hóa là nhằm nâng cao chất lượng ngành sản xuất ôtô cũng như ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này hoàn toàn đúng trong bối cảnh cách đây 20 năm. Tuy nhiên, hiện nay, trong khu vực ASEAN, duy nhất Việt Nam vẫn tồn tại quy định này là không phù hợp nữa" - ông Phương nói và đề nghị sớm bỏ quy định "cứng" về tỉ lệ nội địa hóa ôtô.
Doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước mong muốn được tạo điều kiện nhập khẩu linh kiện rời thay vì phải nhập cả cụm. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Doanh nghiệp muốn xuất, nhập linh kiện rời
Một điểm còn tồn tại khác là mặc dù quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ôtô hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu, song quy định này vẫn chậm được sửa đổi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo mới đây đã thừa nhận quy định về việc "linh kiện nhập khẩu phải đi theo cụm, kèm nhiều chi tiết khác nhau cùng xuất xứ" mới được hưởng ưu đãi không còn phù hợp với thực tế. Bởi vì trong bối cảnh hội nhập, các DN có thể lựa chọn nhập khẩu từng chi tiết của cụm linh kiện ở các thị trường đã được gỡ bỏ thuế quan để có giá thành sản xuất tối ưu. Do đó, việc thay đổi cách tính mức độ rời rạc của linh kiện theo chi tiết nhỏ sẽ tối ưu hóa chi phí sản xuất, giúp sản phẩm có giá thành hợp lý.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhìn nhận cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước là rất lạc hậu. Ông Hải dẫn chứng cùng là bộ ghế nhưng có mẫu xe dùng ghế chỉnh cơ, vỏ bọc bằng nỉ; có mẫu xe dùng ghế điều chỉnh bằng điện, vỏ bọc da, có hệ thống sưởi...
Hai loại ghế này có công nghệ, chất liệu và giá thành khác nhau nên giá trị đóng góp cho một chiếc xe khác nhau, song do cùng là ghế xe hơi nên chỉ được tính là một cụm linh kiện nội địa hóa. "Cách tính này khiến DN sản xuất khó được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% trong nội khối, cũng gây khó cho DN muốn xuất xe sang các thị trường cùng khu vực hay cùng FTA" - ông Hải chỉ rõ.
Theo TS Lê Quốc Phương, nếu cách tính tỉ lệ rời rạc của cụm linh kiện được thay đổi, DN sản xuất trong nước không chỉ được tạo điều kiện nhập khẩu linh kiện lẻ với giá cạnh tranh mà còn có cơ hội xuất khẩu linh kiện tự sản xuất được để duy trì dung lượng sản xuất đủ lớn. Điều này cũng giúp các hãng ôtô đa quốc gia đặt nhà máy tại Việt Nam có thể cân đối các phương án sản xuất, nhập khẩu linh kiện tại thị trường đem lại nhiều lợi ích nhất. Như thế, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhờ sản phẩm ôtô có giá thành hợp lý hơn.
Thêm ưu đãi cho sản xuất nội địa
Lãnh đạo một DN sản xuất ôtô trong nước cho hay những quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển đều không đánh thuế TTĐB lên linh kiện sản xuất trong nước. Ngược lại, với phần linh kiện, phụ tùng nhập khẩu nước ngoài, các nước này đều xem xét đánh thuế ở mức hợp lý. Còn tại Việt Nam, linh kiện, phụ tùng (bao gồm sản xuất trong nước và nhập khẩu) không thuộc đối tượng đánh thuế TTĐB. Điều này tuy có lợi cho việc hạ giá thành sản xuất song không tạo được lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư sản xuất linh kiện nội địa. "Các công ty đa quốc gia có chuỗi sản xuất đặt tại Việt Nam sẽ tính toán thiệt hơn và không sản xuất linh kiện tại Việt Nam để hỗ trợ nội địa hóa nếu như không nhận được ưu đãi giúp giá thành sản xuất cạnh tranh hơn nơi khác" - vị lãnh đạo DN chỉ rõ.
Bình luận (0)