Đây là ý kiến được một số doanh nghiệp chia sẻ tại chương trình Cà phê Doanh nhân chủ đề "Giải pháp vốn cho doanh nghiệp giai đoạn phục hồi kinh tế", do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức ngày 18-6.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP HCM, cho biết các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đang phải ứng phó với "bão giá" khi đầu vào nguyên liệu tăng mạnh. Tất cả nguồn chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30%; trong nước giá xăng dầu cao kỷ lục. Sau dịch Covid-19, chi phí đầu vào tăng nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, nếu giá tăng sẽ ảnh hưởng sức mua và tác động tới lạm phát…
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tham quan gian hàng của doanh nghiệp trong chương trình Cà phê doanh nhân ngày 18-6
Trong khi đó, ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng không bù đắp hết được và doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán.
"Ở góc độ sản xuất, chúng tôi đang khát vốn trong bối cảnh này. Như trước đây chỉ cần khoảng 100 tỉ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50% là cần 150 tỉ đồng. Vậy thì ở đâu ra tiền để doanh nghiệp có thêm huy động vốn?
Do dịch Covid-19 kéo dài nên nhiều doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu, cả những thị trường khó tính đều đặt rất nhiều hàng thực phẩm từ bún, miến, mì ăn liền… nhưng doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng! Vì nhận thì đơn giá xuất khẩu không tăng nhưng chi phí đầu vào biến động quá nhanh, thiếu vốn để mua dự trữ nguyê liệu" – bà Lý Kim Chi nêu bất cập.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng nghiên cứu đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng để doanh nghiệp sớm tiếp cận được, có vốn cho sản xuất, kinh doanh và phục hồi.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico), đặt vấn đề trước nay doanh nghiệp luôn coi nguồn vốn ngân hàng là chủ lực khi tiếp cận các nguồn vốn khác rất hạn chế, ngay cả việc cho thuê tài chính cũng rất khó. Và các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác có giải pháp nào để doanh nghiệp với tay tới những nguồn vốn khác ko?
"Ngay như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, làm sao doanh nghiệp tiếp cận được, có phải làm đơn kiến nghị hay đề xuất cụ thể không? Nếu doanh nghiệp nào tiếp cận được sẽ có cơ hội lớn hơn các doanh nghiệp khác" – ông Hiến nói.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết ngành ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay; kết nối giải bài toán vốn qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, có thể phản ánh trực tiếp tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM để có cơ sở tháo gỡ.
Về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho hay Quốc hội đã yêu cầu xác định rõ về dòng tiền, nguồn vốn 40.000 tỉ đồng để triển khai; không hỗ trợ đại trà mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng, có khả năng phục hồi…
"Hiệu lực của gói hỗ trợ này từ 1-1-2022, nên được phép hồi tố, để truy soát lại và các doanh nghiệp lưu ý để làm việc với ngân hàng, có thể được tính hỗ trợ từ đầu năm nay. Và để triển khai hiệu quả, rất cần Chính phủ phải vào cuộc nhằm yêu cầu các bộ, ngành triển khai với tinh thần tháo gỡ ngay lập tức những vướng mắc nhằm sớm giải ngân hiệu quả" – TS Cấn Văn Lực nói.
Liên quan đến vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã ngồi lại với các doanh nghiệp để kết nối, tháo gỡ vướng mắc về vốn của doanh nghiệp. TP HCM cũng sẽ tập trung gỡ thật nhanh những vướng mắc chính để dòng vốn lưu thông được vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bình luận (0)