18 doanh nghiệp (DN) ngành thép vừa kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nhanh chóng xử lý hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam.
Mã hàng thuế thấp tăng đột biến
Các DN thép cho biết ngày 7-3, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép. Nhờ vậy, lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng 10 tháng năm 2016 tăng lần lượt 20,8% và 21,5% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng phôi thép sản xuất cũng tăng 33% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng theo 18 DN thép, từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, DN nhập khẩu kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép dây cuộn, hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm hiện thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại. Cụ thể, trước khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn được nhập khẩu kê khai mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ với mức 15,4%, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh với sản lượng nhập 10 tháng năm nay chỉ bằng 58% so với cả năm 2015. Trong khi đó, xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015. Riêng tháng 10, việc nhập khẩu tăng cao kỷ lục với 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của cả ngành thép.
Đáng lưu tâm, trước đây, mã 7213.91.90 không phải là mã nhập quen thuộc của nhiều DN, chưa kể, có những DN trước đây chưa từng nhập mã này nhưng mới đây lại nhập. Theo đó, năm 2015 có hơn 30 DN nhập khẩu mã 7213.91.90 thì 10 tháng đầu năm 2016 lên tới khoảng 70 DN. “Đây cũng chính là các công ty trước đây nhập mã 7227.90.00 và giờ đứng hàng đầu trong các công ty nhập mã 7213.91.90 nhiều nhất” - các DN thép cho hay và kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương điều tra mở rộng phạm vi áp thuế tự vệ thương mại và đưa những mã này vào danh mục hàng hóa cần kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn việc chuyển mã để hưởng chênh lệch thuế.
Nghi vấn gian lận trốn thuế
Thực tế, mối nghi ngờ DN thép nhập khẩu lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai báo sang mã hàng không áp dụng thuế tự vệ đã được nêu ra trước khi 18 DN thép lên tiếng. Tổng cục Hải quan mới đây cũng đã có công văn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương thống nhất tiêu chí xác định các mặt hàng này để tránh DN khai thác kẽ hở chính sách để hưởng lợi.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng để chống lại hành vi lách luật trốn thuế nhập khẩu, các cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực giám sát, theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, các nhà sản xuất trong nước cũng phải có trách nhiệm phát hiện để phản ánh cho cơ quan quản lý. Vấn đề bảo hộ sản xuất thép cần phải có ý kiến cụ thể của từng bên liên quan để có những quyết định chính xác. “Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ tính đến thiệt hại của từng biện pháp cũng như tự đánh giá sản xuất trong nước đang ở mức độ nào. Các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương, phải lắng nghe và đánh giá tiếng nói của các bên có thực chất không, DN sản xuất có đủ năng lực để sản xuất không, có cải tiến công nghệ không, cần áp dụng biện pháp bảo hộ thế nào cho hợp lý” - ông Huỳnh góp ý.
Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại, tư vấn viên cao cấp Viện Thương mại - Bộ Công Thương, việc cố tình chuyển khai báo mã HS nếu có thì có thể xếp vào hành vi gian lận trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước. Do đó, nếu qua kiểm tra xác định có tình trạng này thì cần phạt nặng để răn đe. Hơn nữa, các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, hải quan cần nghiên cứu để khắc phục tình trạng lúng túng trong quản lý mã hàng như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thắng, việc áp thuế tự vệ rõ ràng là được DN hoan nghênh nhưng nhiều DN sản xuất nhập thép về làm nguyên liệu lại phản đối vì phải chịu giá mua hàng tăng quá nhiều. Do bất cứ biện pháp tự vệ nào cũng dẫn đến hậu quả là bảo vệ được ngành này thì làm tổn hại ngành khác nên phải hết sức cân nhắc giải pháp hài hòa lợi ích các bên. “Trước đây, đã có nhiều lời khuyên nên hạn chế đầu tư vào lĩnh vực thép bởi khó cạnh tranh và ảnh hưởng lớn đến môi trường nhưng DN vẫn đầu tư vào ngành này vì kỳ vọng lợi dụng được giá điện rẻ. Các biện pháp tự vệ nếu được đưa ra thì chỉ nên với mục đích chống lại hành vi phá giá vi phạm Luật Cạnh tranh, còn mục đích bảo hộ sản xuất thì phải cân nhắc” - ông Thắng nói.
Bình luận (0)