Theo lộ trình mở cửa kinh tế của TP HCM, từ ngày 16 đến 30-9, TP cho phép Khu Công nghệ cao TP HCM và các KCX-KCN tại quận 7, huyện Củ Chi được thí điểm lựa chọn phương án sản xuất phù hợp. Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza) đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất an toàn tại các "vùng xanh" trong thời gian trên.
Được lựa chọn phương án
Cụ thể, DN tại KCX Tân Thuận (quận 7) được áp dụng 1 trong 3 phương thức sản xuất: "4 xanh" - người lao động (NLĐ) xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh; "3 tại chỗ" - vừa sản xuất vừa cách ly; hoặc kết hợp giữa "4 xanh" và "3 tại chỗ".
Tại KCN Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi), DN mới đăng ký hoạt động từ ngày 16 đến 23-9 được lựa chọn 1 trong 2 phương thức "4 xanh" và "3 tại chỗ". Các DN đang áp dụng "3 tại chỗ" tiếp tục hoạt động và được phép giảm hoặc bổ sung NLĐ.
Sau thời gian này, Hepza sẽ xem xét, đánh giá để kéo dài thí điểm đến ngày 30-9. Hepza cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng cấp thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19 cho NLĐ, làm cơ sở để các nhà máy bảo đảm an toàn khi sản xuất trở lại.
Doanh nghiệp trong các KCX-KCN mong sớm được gỡ “3 tại chỗ”, thay đổi mô hình sản xuất Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại Khu Công nghệ cao TP HCM, trong thời gian thí điểm, phương án "4 xanh" không được triển khai đại trà mà chỉ áp dụng với vài DN. Theo đó, Công ty Intel Products Việt Nam và Công ty Datalogic Việt Nam được phép áp dụng phương án này cho NLĐ có tay nghề cao và vị trí cốt cán trong quy trình sản xuất. Số lượng được phép thí điểm không quá 300 người. Trước mắt, bộ phận nhỏ thuộc nhóm thí điểm sẽ ký cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và công ty, tuân thủ 5K và các yêu cầu phòng dịch của địa phương khi ở nhà.
"Đa số DN trong khu là DN có vốn đầu tư nước ngoài, chịu áp lực lớn trong việc bảo đảm đơn hàng, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Để duy trì sản xuất, DN đã tốn rất nhiều chi phí thuê khách sạn cho NLĐ thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến". Vì vậy, DN nóng lòng được gỡ bỏ "3 tại chỗ", có cơ chế thay đổi mô hình sản xuất an toàn, khôi phục dần quy mô hoạt động" - đại diện Khu Công nghệ cao TP HCM bày tỏ.
Chủ động phương án mới
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) - cho biết đã nhận được dự thảo về Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 để góp ý trước khi TP hoàn thiện và ban hành chính thức. Dự thảo đề cập việc phân loại NLĐ qua thẻ xanh, thẻ vàng cùng những điều kiện kèm theo. Theo HAWA, phương án trong dự thảo phù hợp với tình hình mới và DN ngành gỗ cơ bản đáp ứng được nếu thật sự nỗ lực.
"Vướng mắc lớn nhất là phải giải quyết cho tất cả NLĐ được tiêm đầy đủ vắc-xin. Nhiều DN có 70%-80% NLĐ ở ngoại tỉnh nhưng không phải tỉnh nào cũng được ưu tiên phủ vắc-xin sớm khiến việc tập hợp nhân công không dễ. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị chính sách đưa chỉ tiêu vắc-xin đến từng DN và đề xuất cách làm cụ thể" - ông Phương cho biết.
Các thành viên HAWA đã chủ động tìm phương án sống chung với môi trường có Covid-19, quan trọng nhất là xây dựng trạm y tế tại chỗ. Theo đó, DN đảm nhận vai trò tầng 1 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng; nhà nước hỗ trợ chi phí xét nghiệm, ban hành cơ chế phối hợp giữa y tế địa phương với DN.
"Chúng tôi cũng đề ra chiến lược cho 3 giai đoạn: giai đoạn ứng phó từ 3-6 tháng, giai đoạn phục hồi từ 6-12 tháng tiếp theo và giai đoạn tăng tốc sau 1 năm. Trong giai đoạn ứng phó, DN chú trọng xác định dòng thu nhanh và các cơ hội tiết kiệm; đánh giá rủi ro của chuỗi và cố gắng bảo vệ chuỗi. Giai đoạn hồi phục tập trung củng cố dòng thu bền vững, tạo tiền đề tăng tốc nguồn thu, xây dựng sức chống chịu tốt cho DN vào giai đoạn tiếp" - ông Phương giải thích.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, chỉ rõ mô hình "3 tại chỗ" đã lộ ra nhiều hạn chế. Đơn cử, việc tập trung nhân công tại nơi sản xuất có thể bị quốc tế đánh giá là "cưỡng bức lao động", gây rủi ro cho hàng xuất khẩu. Do đó, trong bối cảnh bình thường mới, việc áp dụng phân loại NLĐ qua thẻ xanh, thẻ vàng là cách thức hợp lý. DN trong ngành điều cũng đã chủ động lên phương án sản xuất, bố trí phân xưởng phù hợp để phòng trường hợp phát sinh F0 sẽ dễ dàng khoanh vùng.
Trong khi đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đặt mục tiêu duy trì sản xuất từ nay đến hết năm 2021 đạt hơn 70% công suất bằng phương án "7 xanh", gồm: nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, nơi ở xanh, nhà cung cấp xanh, vắc-xin xanh và trạm y tế tại chỗ xanh.
Cửa hàng bán lẻ cơ cấu lại sản phẩm
Theo ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc Marketing hệ thống cửa hàng Farmers Market, 90% nhân viên hệ thống này đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, sẵn sàng cho giai đoạn bình thường mới với việc TP HCM áp dụng quy định thẻ xanh. Khi áp lực giao hàng giảm tải nhờ khách được đến mua trực tiếp, hệ thống sẽ cân đối lại hàng hóa để phù hợp với nhu cầu thị trường sau giãn cách.
"Do thu nhập của phần lớn người dân bị ảnh hưởng nên các sản phẩm cơ bản, rau an toàn sẽ được ưu tiên chọn thay cho hàng cao cấp, hữu cơ" - ông Lộc nhìn nhận.
Bình luận (0)