Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa ban hành sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh tế.
Mở dần hoạt động sản xuất - kinh doanh
Trong Nghị quyết 105, Chính phủ đặt ra mục tiêu khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh gắn liền bảo đảm an toàn phòng chống dịch… Vậy TP HCM phải làm gì để đạt được mục tiêu này?
Một số dữ liệu cho thấy TP có cơ sở để thích nghi với Covid-19. Cụ thể, tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt 94%. Số người tiêm mũi 2 đạt 29%. Đặc biệt, tại một số quận, huyện đã tiêm 100% cho người trên 18 tuổi.
Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (KCN Tân Bình, TP HCM) hoạt động trong những ngày giãn cách xã hội .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Theo đó, TP HCM nhanh chóng ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 2 cho người lớn tuổi, người có bệnh nền; lực lượng shipper, người lao động trong các DN vận tải, logistics, các ngành dịch vụ - thương mại quan trọng (bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ cơ sở hạ tầng), các KCN, KCX, khu công nghệ cao.
Với tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh, trong vài ngày tới, TP HCM sẽ phủ được 100% vắc-xin cho người trên 18 tuổi. Sau đó, chúng ta cần ít nhất 2 tuần để những người tiêm mũi 1 sinh ra kháng thể miễn dịch, hội đủ điều kiện tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, TP cũng đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn. Theo đó, người lao động cần phải có thẻ xanh Covid-19 để đủ điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh. Nghĩa là những người này đã tiêm vắc-xin, mắc Covid-19 và đã được điều trị lành bệnh hoặc là F0 điều trị tại nhà có xác nhận của chính quyền địa phương.
Tại TP HCM, từ nhiều ngày qua, một số DN, hộ kinh doanh, cá nhân đã đáp ứng các điều kiện của bộ tiêu chí này và đã đi vào hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt, nhóm các DN lĩnh vực vận chuyển, giao nhận hàng hóa… hoạt động khá an toàn về phòng chống dịch, góp phần không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ…
Sau khi toàn bộ số người tiêm vắc-xin mũi 1 được 2 tuần, TP HCM có thể tạo điều kiện cho DN, hộ kinh doanh khác khi đi vào hoạt động, kèm theo các điều kiện về giãn cách, quy định 5K của Bộ Y tế. Thay vì sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", DN có thể chủ động xây dựng phương án sản xuất sao cho phù hợp với thực tế nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch, có sự giám sát của chính quyền địa phương.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Tuy vậy, không phải mọi DN đều đáp ứng yêu cầu an toàn để tái hoạt động. Do đó, TP HCM cần ưu tiên mở cửa hoạt động cho những DN đã sẵn sàng. Các DN còn lại tiếp tục củng cố kế hoạch và khởi động sau khi sẵn sàng. DN có thể nâng công suất hoạt động theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn; ưu tiên bố trí việc trở lại cho người lao động có thẻ xanh Covid-19, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ có thai, người bị bệnh nền, người đang sống chung với F0).
Bộ Y tế nên ưu tiên tiêm vắc-xin cho các tỉnh, thành có những người đã chích mũi 1 và đã đến thời hạn chích mũi 2, nếu không sẽ lãng phí hiệu lực vắc-xin mũi 1.
Như thế, việc cần làm ngay là TP HCM và các tỉnh, thành khác cần kết nối dữ liệu tiêm vắc-xin. Cơ quan quản lý nhà nước cần chia sẻ thông tin để người sử dụng lao động biết được ai đã tiêm vắc-xin, số mũi đã tiêm. Đồng thời, chính quyền các tỉnh, thành cần đẩy mạnh liên kết vùng để khi DN hoạt động chưa hết công suất thì có phương án giúp họ nhận thêm hợp đồng gia công, sản xuất từ các DN khác.
Thông qua giải pháp công nghệ, mỗi DN sẽ chủ động nắm được hồ sơ y tế toàn bộ nhân viên của mình. Chính quyền TP HCM cũng nắm được thông tin của các DN, dễ dàng kiểm tra ở bất cứ đâu và thời điểm nào. Các ứng dụng khai báo y tế cũng cần thống nhất tạo ra sự thuận tiện cho người dân.
Trong quá trình hoạt động trở lại, nếu DN có ca F0 thì chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền, khu vực liên quan trực tiếp F0. Các khu vực khác của DN vẫn tiếp tục sản xuất - kinh doanh. Bởi lẽ hiện nay, hầu hết F0 đã tiêm vắc-xin và được ngành y tế điều trị, chăm sóc khá tốt... Vì thế, khi DN có ca F0, chúng ta chỉ cần xét nghiệm những người tiếp xúc gần (người cùng tổ sản xuất, người nhà của F0…) để sớm bóc tách người nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng (nếu có).
Ngành y tế phối hợp với DN đưa người bị nhiễm điều trị tại bệnh viện, cơ sở cách ly. Tuyệt đối không giữ người nhiễm Covid-19 trong nhà máy và không đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động toàn bộ nhà máy. Thực tiễn ở nhiều nước cho thấy việc duy trì sản xuất liên tục trong điều kiện dịch bệnh là hoàn toàn có thể.
Hiện nay, TP HCM gần như đã hội đủ các điều kiện thích nghi với dịch bệnh để sớm thúc đẩy kinh tế hồi phục. Trong đó, việc tiêm vắc-xin, hệ thống điều trị người nhiễm Covid-19 (bệnh viện, trạm y tế phường, trạm y tế tại các KCN, KCX, tổ y tế của DN…) đang được củng cố và triển khai khá tốt.
Chúng ta thích nghi với Covid-19 thành công hay không đòi hỏi từng người dân phải hiểu cách thức sống trong bối cảnh dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng chống Covid-19. Dù một hành động nhỏ, mọi người đều phải bảo đảm an toàn theo thông điệp 5K.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-9
Bình luận (0)